Làng nghề Chăm – Ninh Thuận hối hả vào Xuân
VOV.VN - Những ngày giáp Tết, người dân làng gốm Bàu Trúc và làng nghề thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đang tất bật để làm kịp cho đơn hàng mùa vụ Tết.
Làng gốm Bàu Trúc và làng nghề thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận được nhiều người biết đến bởi còn lưu giữ vốn cổ văn hoá Chăm. Từ các sản phẩm làm ra chỉ để phục vụ trong cộng đồng người Chăm nay các sản phẩm của 2 làng nghề này đã được cải tiến nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Tất bật cho đơn hàng vụ Tết
Những ngày cuối năm, không khí làm việc tại làng gốm Bàu Trúc đang rất khẩn trương để hoàn thành những đơn đặt hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Anh Đàng Hải Phương, nghệ nhân làm gốm ở Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc cho biết, năm nay ngoài sản xuất theo đơn đặt hàng như: Bình phong thủy, tượng vũ nữ Apsara, tượng tháp,… các sản phẩm gốm khác cũng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến, tìm mua; mang lại thu nhập không nhỏ cho xã viên.
"Mình đang làm bình phong thuỷ Phúc lộc thọ, làm tượng Phật sao cho phù hợp với cái chậu. Loại này không thấm nước, vì mình dùng chất chống thấm, còn các dòng sản phẩm khác thì không, như chậu, bình, nồi nấu lẩu… vì sản phảm này người ta dùng nấu ăn", anh Đàng Hải Phương nói.
Để chiều lòng khách hàng, từ năm 2002, người làng gốm đã có những thay đổi trong cách làm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đó là, ngoài sản xuất sản phẩm gốm truyền thống thì nhiều hộ gia đình Chăm còn làm thêm các sản phẩm gốm mỹ nghệ.
Bà Đàng Thị Quạ, có hơn nửa đời người gắn bó với nghề gốm Bàu Trúc cho biết: “Mỗi năm, chỉ có dịp Tết là hàng mới chạy, nên mình phải tranh thủ làm cho kịp hàng. Thường vào dịp Tết, hàng mỹ nghệ là nhiều, hoặc người ta đặt hàng gì mình làm hàng đó. Mình làm hàng để đi bán ở nhiều nơi như: Đà Nẵng, Sài Gòn hay Bình Dương…”.
Không chỉ làng gốm mà làng nghề làm thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp thời điểm này cũng đang tất bật sản xuất để kịp giao cho khách hàng. Bà Lưu Thị Em, xã viên Hợp tác xã Thổ Cẩm Mỹ Nghiệp cho biết, Tết là thời điểm mà khách đặt hàng nhiều với số lượng lớn, hiện bà đang tranh thủ dệt để kịp giao sản phẩm cho khách hàng. Tuy nhiên, không vì thế mà làm qua loa, vì đây là sản phẩm thủ công đòi hỏi phải tỉ mỉ nên phải tập trung để có được sản phẩm ưng ý: “Đây là một cặp, 2 cái phải làm trong 4 ngày. Ngày nào cũng phải làm, nhưng nếu gia đình có việc gì thì mình xin nghỉ. Khách du lịch đến tham quan, họ thấy đẹp họ cũng mua ủng hộ. Phải mất 4 ngày mới xong một cái khăn”.
Đưa sản phẩm vươn xa bằng công nghệ số
Trong năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng khách đến tham quan các làng nghề giảm dẫn tới thu nhập của người dân cũng giảm theo. Chính vì vậy, để sản phẩm làng nghề vươn xa, các sở ngành của Ninh Thuận đã tổ chức, hướng dẫn bán hàng trực tuyến, đưa sản phẩm lên mạng internet.
Ông Phú Minh Thuần, Giám đốc Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc cho hay, việc đưa công nghệ đã được hợp tác xã triển khai hơn 2 năm nay. Không chỉ để giới thiệu, đưa các sản phẩm lên mạng internet mà trong triển khai hợp tác sản xuất cũng rất thuận lợi. Theo ông Thuần, tất cả 46 xã viên ai cũng sử dụng điện thoại thông minh. Mỗi lần có mẫu hàng mới làm theo yêu cầu của khách hàng, chỉ cần gửi qua zalo các xã viên triển khai ngay, không cần tập trung lại để phổ biến.
Hiện dịch bệnh đang tái phát ở một số nơi nên lượng khách đến với làng nghề cũng thưa, chính vì vậy, việc giới thiệu sản phẩm và ký kết hợp đồng với đối tác chủ yếu thông qua trực tuyến. Hiện, hợp tác xã đã triển khai lắp đặt hệ thống mạng internet không dây trong khuôn viên trưng bày sản phẩm để tạo thuận lợi cho du khách đến tham quan.
“Khi khách đến tham quan thì khách sẽ trải nghiệm, xem trực tiếp các nghệ nhân đang làm gốm tại đây. Qua đó cũng xây dựng được hình ảnh của làng nghề mình thông qua những tấm ảnh mà du khách đã chụp được. Thông qua mạng xã hội, các hình ảnh này sẽ được nhân bản rộng rãi giúp quảng bá sản phẩm và xuất khẩu tại chỗ. Theo tôi, đây là một kênh rất hiệu quả”, Ông Phú Minh Thuần cho biết thêm.
Nếu với làng gốm việc đưa sản phẩm lên mạng internet đã được triển khai từ lâu thì với người làng dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp còn khá lạ lẫm. Bà Lâm Nữ Minh, Phó Giám đốc Hợp tác xã thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp cho biết, đây là hình thức kinh doanh mới nhưng rất phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay nên bà và các hội viên khác cũng cố gắng học hỏi.
“2 tháng trước, địa phương có cho đi tập huấn lớp bán hàng trực tuyến. Trong năm qua dịch bệnh Covid nên không bán buôn trực tiếp được, chỉ bán hàng qua mạng theo đơn đặt hàng là chính. Vì việc này còn mới nên cũng cần thêm thời gian để thích nghi. Khách hàng nào người ta tới mua rồi, thông qua card visit, điện thoại và trang web của mình, người ta gọi điện thoại đặt hàng”, bà Lâm Nữ Minh cho hay.
Trong định hướng phát triển làng nghề truyền thống Chăm, huyện Ninh Phước đang củng cố hoạt động của các hợp tác xã làng nghề để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho bà con.
Ông Bạch Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận cho biết, địa phương rất chú trọng phát triển làng nghề gắn với du lịch cộng đồng và khám phá văn hóa Chăm: “Trên cơ sở 2 di sản văn hóa phi vật thể gắn du lịch làng nghề và du lịch văn hóa, cũng như du lịch về sinh thái. Hiện nay địa phương có một số sản phẩm đang được du khách rất quan tâm là du lịch ao sen Mỹ Nghiệp, nhất là du lịch cộng đồng dựa vào di sản của làng gốm Bàu Trúc”.
Những sản phẩm của hai làng nghề đang tiếp tục được giữ gìn và phát triển nhờ những đôi tay khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân. Tuy nhiên, để nâng cao thu nhập, phát huy giá trị sản phẩm của làng nghề thì chính quyền địa phương cần phải hỗ trợ bà con các hình thức kinh doanh phù hợp. Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ dân mà còn góp phần đưa sản phẩm làng nghề vươn xa khắp năm châu bốn biển./.