Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi bức xúc vì nhà máy chậm thu mua mía
VOV.VN - Mỗi ngày nhà máy chế biến chỉ cấp phiếu cho 1 xe mía nguyên liệu khiến việc tiêu thụ mía chậm trễ làm người dân bức xúc.
Niên vụ 2018-2019, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 2.300 ha mía, nhưng Nhà máy đường Phổ Phong chỉ mua được 20% diện tích mía của nông dân. Vì thu mua chậm trễ, nhiều diện tích mía khô quắt ngoài đồng, năng suất chỉ còn 50 tấn/ha, bằng 2/3 so với những niên vụ trước.
Lãnh đạo các huyện trong tỉnh Quảng Ngãi cho biết, chưa có năm nào chất lượng mía giảm sút như năm nay. Những năm trước, mía cây đạt 13,14 chữ đường thì nay chỉ còn 7, 8 chữ đường.
Thậm chí năng suất mía ở nhiều nơi giảm còn 50 tấn/ha, trong khi những năm trước là 70 - 80 tấn/ha. Trong khi giá đường hạ sâu, người nông dân trồng mía lỗ nặng thì việc Nhà máy đường chậm trễ mua mía khiến người nông dân bức xúc.
Tiêu thụ chậm khiến nhiều người chặt mía để trồng cây khác. |
Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn phàn nàn, mỗi ngày, nhà máy chỉ cấp 1 phiếu cho 1 xe mía nguyên liệu, như vậy phải 3 tháng nữa mới thu mua hết mía của người dân, điều này khiến người dân bức xúc. Trong khi đó, tại các huyện miền núi, hiện nay vẫn còn hàng trăm ha mía đến kỳ thu hoạch nhưng nhà máy đường Phổ Phong vẫn chưa đến mua.
Ông Phạm Giang Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ gay gắt, việc triển khai mua mía của nhà máy đường quá chậm nên người dân chặt mía bỏ nhiều. “Nhà máy đường quan tâm đến số lượng mía thu mua cũng như ổn định giá, nếu cứ để tình trạng này, thời gian tới diện tích mía sẽ sụt giảm rất mạnh”, ông Nam cho biết.
Ông Nguyễn Tăng Bính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, năm nay, Nhà máy đường Phổ Phong trở lại hoạt động sau tết chậm hơn 1 tháng so với mọi năm, nên việc mua mía chậm trễ gây thiệt hại lớn cho nông dân.
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu Nhà máy đường Phổ Phong làm việc với các huyện, khảo sát diện tích mía còn lại, đẩy mạnh công suất hoạt động của Nhà máy lên 2.000 tấn mía/ngày, thay vì chỉ hoạt động với công suất 1.300 tấn mía/ngày như hiện nay. Diện tích trồng mía nào chín trước phải được hoạch trước, không để người trồng không bán được mía.
“Nhà máy đường đã cam kết thì phải thu mua mía cho nông dân. Cần phải có kinh phí vận chuyển làm sao kích thích xe chạy, không có chuyện không đủ xe vận chuyển mía. Nhiều đồng mía lớn phải thu mua hết, không có chuyện mía xấu không thu mua gây hoang mang cho người dân”, ông Bính bức xúc nói./.
Đường tồn kho, giá thấp khiến ngành mía đường chật vật