VOV.VN - Đẩy nhanh xây dựng cửa khẩu số thể hiện quyết tâm của Lào Cai để biến địa phương trở thành trung tâm kết nối, giao thương vùng và cả nước.
Những ngày đầu tháng 6, tất cả bộ phận giải quyết thủ tục tại Cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) đồng loạt di chuyển về cùng một khu, xếp cùng 1 hàng, tại cùng tầng 1 của nhà liên ngành.
Trong khu vực này có đầy đủ ánh sáng, điều hòa, wifi, camera, ghế chờ, với 24 bàn giải quyết thủ tục của 8 ngành chức năng như biên phòng, hải quan, kiểm dịch, giao thông vận tải…

Theo anh Vũ Ngọc Nam, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Anh Nguyên, trước mắt dễ thấy nhất việc bố trí tập trung như hiện nay đã giảm hẳn được sự “lòng vòng”:
“Về mặt đi lại đã thuận tiện hơn. So với ngày trước, quãng đường tôi phải đi làm thủ tục ngắn hơn nhiều. Vì khi ở đây vào làm việc với một cơ quan mà thiếu hoặc sai gì thì mình có thể làm với cơ quan khác trước, xong về bổ sung sau, chứ không phải đến mỗi một bộ phận xong thiếu đâu bổ sung đấy, các chỗ cách xa nhau nên là mình không làm nối tiếp nhau được”.

Theo ông Phạm Hùng, Trưởng phòng Quản lý cửa khẩu – Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai, việc tập hợp các vị trí đầu mối giải quyết thủ tục về cùng một khu chỉ là một trong những bước khởi đầu trên lộ trình xây dựng cửa khẩu số. Còn sự khác biệt đột phá nằm ở chỗ biến những thứ vốn dĩ là "cái riêng" trở thành "cái chung", từ đó tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp lẫn chính quyền.
“Trước kia việc tương tác trao đổi hoặc phản hồi có thể qua rất nhiều kênh, bằng đơn từ gặp trao đổi trực tiếp. Tuy nhiên, mới chỉ dừng lại giới hạn là 2 đối tượng là doanh nghiệp và cơ quan đang trực tiếp giải quyết thủ tục này. Nhưng nếu như nền tảng cửa khẩu số đi vào hoạt động thì việc tương tác trao đổi sẽ được các cơ quan tham gia quản lý cửa khẩu và Ban quản lý khu kinh tế, các cấp quản lý cấp trên cùng biết được nội dung đó, vướng mắc từ đâu, ở lực lượng nào để tháo gỡ”.

Theo ông Hùng để làm được như trên, mấu chốt nằm ở việc hoàn tất đấu nối, chia sẻ dữ liệu với Tổng cục Hải quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an liên quan đến lái xe, phương tiện, hàng hóa, doanh nghiệp. Chỉ đến khi đó cửa khẩu số mới chính thức đi vào hoạt động. Hiện, văn bản đề nghị các bộ ngành đã được gửi đi.
Có thể thấy, việc đưa tất cả đầu mối giải quyết thủ tục về cùng một khu trong khi còn chưa đấu nối dữ liệu thể hiện quyết tâm cao của Lào Cai nhằm xây dựng một cửa khẩu quốc tế công khai, minh bạch, hiệu quả, đồng hành cùng doanh nghiệp, ngăn tiêu cực, chống cò mồi…

Xuất nhập khẩu là trụ cột kinh tế quan trọng của Lào Cai, gần như có thể nói là quyết định thành bại mục tiêu xây dựng Lào Cai trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam với ASEAN và vùng Tây Nam (Trung Quốc) như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra từ đầu nhiệm kì và cả trong các văn kiện trung ương như Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển vùng trung du, miền núi Bắc bộ trong tương lai.

Làm một cuộc "cách mạng" ở cửa khẩu cũng được lãnh đạo Lào Cai đề cập nhiều lần trong các cuộc họp, kì vọng đặt lên cơ quan điều phối là Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh.
Thực tế, thời gian qua, Lào Cai đã điều động, luân chuyển các vị trí Trưởng, Phó Ban; quy định lại vị trí, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan này. Số tiền đầu tư cho mở rộng bến bãi, cơ sở vật chất, thiết lập hệ thống tại cửa khẩu cũng đã vào hơn 100 tỷ đồng.
Tại cuộc họp thường kì định hướng phát triển kinh tế - xã hội tháng 6/2023, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đề nghị phải coi mỗi container hàng hóa đến là một khách hàng, "dứt khoát không để xảy ra" việc có các khoản thu thêm tại cửa khẩu":
“Nếu cần thiết chúng ta sẽ có các phí khác, nếu cần phí chúng ta sẽ ban hành, và có cơ chế phân chia rõ ràng, mạch lạc phần đấy, nhưng doanh nghiệp được tính vào chi phí, có hóa đơn, chứng từ hẳn hoi. Phải tìm cách nào đó để quản lý làm sao doanh nghiệp vui mừng phấn khởi, anh em cũng vui mừng phấn khởi. Các lực lượng ngồi đấy đều có quyền lợi hết chứ không phải như vậy”./.