Lập chuyên án để đấu tranh bóc dỡ các đối tượng vi phạm để phòng, chống IUU
VOV.VN - Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình vi phạm IUU vẫn diễn biến phức tạp. Điều này đặt ra thách thức và khó khăn càng trong việc khắc phục thẻ vàng IUU theo cảnh báo của liên minh Châu Âu.
Tại cuộc làm việc với Bộ tư lệnh cảnh sát biển về phối hợp tăng trường triển khai các biện pháp phòng, chống IUU và tội phạm vi phạm trên biển mới đây, ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng, cần phải triển khai ngay các nhóm giải pháp mạnh tay hơn nữa.
Trong thời gian qua, Kiên Giang cùng với các ngành chức năng như lực lượng cảnh sát biển, Hải quân Vùng 5, Biên phòng, Công an đã rất nỗ lực làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân, từ đó, đa số người dân đã hiểu rất rõ và chấp hành các chính sách, pháp luật về hải sản, luật biển… Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp cố tình vi phạm với mức độ ngày càng tinh vi hơn. Tại Kiên Giang, 6 tháng đầu năm nay có 13 vụ 16 tàu 144 ngư dân đánh bắt vi phạm ở vùng biển nước ngoài, bị các nước sở tại bắt giữ.
Để ngăn chặn hiệu quả việc vi phạm này, Kiên Giang sẽ thành lập ban chuyên án tập trung vào các đối tượng chuyên đưa tàu đưa người vào vùng biển của nước ngoài; đồng thời, kiến nghị Trung ương điều chỉnh một số nội dung trong Nghị định 42, Nghị định 26 để các lực lượng chức năng có đủ sơ sở trong thực thi nhiệm vụ.
Ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh: “Nếu chúng ta truy tố được 1 đường dây chuyên móc nối khai thác ngư trường ở các nước láng giềng và đưa người, đưa tàu ra. Tôi cho rằng, người dân ko tự làm đc điều đó mà có đường dây. Đề nghị địa phương phải rà soát xem địa phương mình có được bao nhiêu chủ tàu, ngư dân, có bao nhiêu tàu, tàu hoạt động như thế nào và người thực sự quản lý tàu này là ai, không thể để mỗi lần mời lên tuyên truyền vận động thì họ đối phó bằng cách đưa những người không liên quan nên công tác tuyên truyền chỉ tác động vào một bộ phận nào đó thôi, ko đúng đối tượng chủ tàu”.
Đại tá Vũ Trung Kiên, Phó Tư lệnh Pháp luật Cảnh sát biển cho biết: Thời gian qua các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã nỗ lực và phối hợp với nhau rất tốt, rất hiệu quả nhưng diễn biến tình hình vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, chưa triệt để. Đã hình thành các đường dây môi giới đưa tàu thuyền ra vùng biển nước ngoài, vì lợi ích kinh tế, ngư dân tìm mọi cách để trốn tránh sự phát hiện ngăn chặn của lực lượng chức năng. Có sự đan xen chuyển hoá giữa hoạt động IUU với các tội phạm vi phạm trên biển liên quan đến buôn lậu vận chuyển trái phép xăng dầu.
“Phối hợp tăng cường các mặt hành chính như tuần tra, kiểm soát, chốt chặn, các biện pháp công khai từ quản lý từ trên bờ ra biển, bảo đảo các tàu chấp hành nghiêm các quy trình quy định khai thác hải sản, kiên quyết bắt giữ các trường hợp vi phạm. Chúng ta phải phối hợp tiến hành các biện pháp nghiệp vụ pháp luật để quản lý tình hình, nắm chắc các địa bàn, đối tượng, kịp thời phát hiện đấu tranh ngăn chặn, bóc gỡ các đường dây đối tượng có hoạt động tổ chức môi giới đưa tàu ra vùng biển nước ngoài khai thác IUU theo hướng xác lập chuyên án đấu tranh do công an chủ trì, CSB và bộ đội biên phòng tham gia, bóc dỡ ngay từ trên bờ”, Đại tá Vũ Trung Kiên nói.
Bộ tư lệnh cảnh sát biển và UBND tỉnh Kiên Giang cùng nhau đánh giá diễn biến tình hình liên quan đến hoạt động tàu cá của ngư dân đánh bắt hải sản ở vùng biển nước ngoài không báo cáo, không theo quy định, vi phạm IUU và tình hình tội phạm vi phạm trên vùng biển phía Nam. Tới đây, Kiên Giang cùng với các lực lượng chức năng như Cảnh sát biển, Hải quân vùng 5, Biên phòng, Công an sẽ phối hợp triển khai các giải pháp cứng rắn, kiên quyết, tăng cường đổi mới các nội dung phương pháp tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bảo đảm đa dạng và đúng đối tượng./.