Liên Bộ “đùn đẩy” làm xăng dầu ách tắc nên chỉ cần 1 cơ quan điều hành?
VOV.VN - Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chuyển quản lý xăng dầu về một đầu mối Bộ, ngành sẽ tránh được sự chồng chéo, tạo sự chủ động hơn trong công tác điều hành.
Thời gian qua, do những bất cập về nguồn cung đã khiến người dân phải xếp hàng dài để mua xăng dầu xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Thực tế quản lý và điều hành thị trường xăng dầu của liên Bộ hiện nay, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm quản lý về giá, cách tính các loại giá cả; Bộ Công Thương quản lý về nguồn cung, thị trường, quản lý hoạt động của DN đầu mối, phân phối, bán lẻ. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chuyển quản lý xăng dầu về một đầu mối bộ ngành sẽ tránh được sự chồng chéo, tạo sự chủ động hơn trong điều hành.
Ý kiến từ các DN đầu mối cho rằng, thị trường thiếu xăng, DN giảm nhập khẩu do bị lỗ chênh lệch giá, vấn đề này do việc quản lý giá mà Bộ Tài chính chưa thích ứng kịp với những biến động bất thường thời gian qua. Trong khi đó, hai Bộ này chưa thống nhất được việc điều hành, nên đã có sự "đùn đẩy" nhau về trách nhiệm. Do vậy, nếu đưa về 1 đầu mối là Bộ Công Thương quản lý xăng dầu sẽ giúp quá trình điều hành giảm chồng chéo.
Theo đại diện 1 DN xăng dầu, khi để riêng Bộ Công Thương quản lý và điều hành thị trường xăng dầu, Bộ này sẽ phải chịu trách nhiệm chung từ dự trữ, nguồn cung, đến cách tính giá, phân giao đầu mối... nhưng vẫn đặt ra thách thức lớn nhất cho Bộ này, đó là phải xử lý được vấn đề khan hiếm xăng dầu cục bộ.
Nhiều chuyên gia đang có chung nhận định, việc chỉ để Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý và điều hành thị trường xăng dầu sẽ là phù hợp, thuận tiện trong điều hành. Bởi suốt thời gian qua, khi nguồn cung trên thị trường có vấn đề, tình trạng thiếu xăng dầu diễn ra cục bộ ở các tỉnh, thành phố nhưng lại không làm rõ được trách nhiệm thuộc về Bộ, ngành nào.
Nhận xét từ ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho thấy, việc giao Bộ Công Thương quản lý sản xuất kinh doanh xăng dầu xong lại tách quản lý về cơ chế giá để Bộ Tài chính quản lý là không hợp lý, dẫn đến một số vướng mắc nảy sinh. Do đó ông Thỏa cho rằng, đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc chuyển hoàn toàn việc quản lý xăng dầu về Bộ Công Thương là hợp lý.
Thực tế hiện nay trong cơ chế phối hợp liên Bộ, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ đảm bảo cung cầu thị trường, nhưng liên quan đến công thức tính giá xăng dầu vẫn giao một phần trách nhiệm cho Bộ Tài chính quản lý. Trong khi đó, vướng mắc lớn nhất trên thị trường xăng dầu thời gian qua là việc chi phí giá xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ vào giá cơ sở, DN thua lỗ và gặp nhiều khó khăn trong việc tạo nguồn.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú chỉ rõ, cần tiến hành sớm việc phân công nhiệm vụ này bởi quá trình sửa chính sách luôn cần có độ trễ, trong thời gian đó, các DN vẫn phải "gồng" mình để đảm bảo cung ứng xăng dầu. Trước đó nhiều DN đã liên tục kiến nghị về khả năng phối hợp và điều hành thị trường xăng dầu của liên Bộ Công Thương - Tài chính chưa thực sự hiệu quả, khiến cho doanh nghiệp gặp khó, thị trường thiếu nguồn cung cục bộ…
Sở dĩ thời gian qua có hiện tượng “đùn đẩy” trách nhiệm giữa liên Bộ, khi Bộ Tài chính muốn sửa đổi quy định liên quan đến công thức tính giá vẫn phải dựa trên cơ sở DN xăng dầu báo cáo, xem xét chi phí đó có hợp lý hay không để làm căn cứ điều chỉnh nên mất rất nhiều thời gian. Trong khi các chi phí này hiện nay thay đổi liên tục, nếu chỉ giao cho Bộ Công Thương quản lý sẽ chủ động tính toán về giá, dễ dàng cân đối nguồn cung cầu và thậm chí nhanh chóng quy được trách nhiệm.
Phân tích về vấn đề này, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính chỉ rõ, trong hệ thống chính sách và cơ chế quản lý hiệu quả, việc giao cho một Bộ làm đầu mối, chịu trách nhiệm sẽ thuận tiện hơn giao cho nhiều cơ quan. Trong khi Bộ Công Thương quản lý từ DN sản xuất đến hoạt động nhập khẩu, phân phối về nước, nhưng vấn đề quản lý giá, các phương pháp tính giá lại được tách khỏi quản lý của Bộ Công Thương khiến mọi hoạt động trở nên khập khiễng. Bộ này khó có thể quản lý được nếu như không được quyết định các chi phí phát sinh, chi phí liên quan đến DN xăng dầu.
“Bộ Công Thương là bộ quản lý về hoạt động sản xuất kinh doanh, có trách nhiệm bảo đảm cân đối cung - cầu xăng dầu cho nhu cầu. Việc quản lý sản xuất, kinh doanh xăng dầu sẽ giúp Bộ Công Thương nắm rõ về giá thế giới, giá trong nước cũng như các chi phí của DN sản xuất kinh doanh xăng dầu... Để chuyển quản lý xăng dầu về Bộ Công Thương, cần sớm sửa đổi Nghị định 95, giúp khơi thông thị trường và tập trung được các đầu mối quản lý công việc”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nêu giải pháp./.
Nghị định 83/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2014 và Nghị định 95/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 2/1/2022 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đã quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành gồm: Bộ Công Thương; Bộ Tài chính; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ban Chỉ đạo 389 cùng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương./.