Liên kết Quảng Ninh – Hải Phòng: Động lực tăng trưởng mới

VOV.VN - Tỉnh Quảng Ninh và TP.Hải Phòng đã và đang là 2 động lực kinh tế quan trọng của khu vực phía Bắc. Thay vì “mạnh ai nấy làm”, sự “bắt tay” của 2 địa phương sẽ mở ra những triển vọng gì cho sự phát triển của hai bên, cả vùng và cả nước?

Năm 2018, cầu Bạch Đằng chính thức khánh thành. Cây cầu bắc qua dòng sông lịch sử đánh dấu một sự kiện trọng đại khác: Quảng Ninh và Hải Phòng “gần nhau” hơn bao giờ hết, quãng đường từ TP.Hạ Long tới Hải Phòng được rút ngắn từ 75km xuống còn 25km. Bên này cầu là đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng kéo dài đến Lào Cai, bên kia cầu là cao tốc Hải Phòng – Hạ Long - Vân Đồn, và trong năm 2022 sẽ nối thông đến cửa khẩu Móng Cái, tạo hành lang đường bộ kết nối với Trung Quốc, ASEAN.

Tại chuyến làm việc tại Quảng Ninh và đi thông tuyến kỹ thuật cao tốc Vân Đồn – Móng Cái ngày 26/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá: “Quảng Ninh – Hải Phòng đúng là trở thành cực tăng trưởng mới, nhờ sự kết nối này. Thông tuyến từ Vân Đồn tới Móng Cái tiếp tục chứng minh cho sự kết nối vùng đó”.

Nền tảng liên kết giữa “đất Cảng” Hải Phòng và “đất Mỏ” Quảng Ninh là sự tương đồng nhiều mặt, từ điều kiện tự nhiên, truyền thống văn hoá, lịch sử, cho đến định hướng phát triển hiện nay. Nếu như Hải Phòng là trung tâm công nghiệp - cảng biển bậc nhất của miền Bắc thì Quảng Ninh được đánh giá là “ngôi sao đang lên” với sự bứt phá đáng nể về tăng trưởng kinh tế, hạ tầng, cải cách hành chính, thu hút đầu tư… nhiều năm gần đây.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát 2 năm qua, cả 2 địa phương đều đứng nhất nhì cả nước về tốc độ tăng trưởng GRDP trong năm 2021 (Hải Phòng 12,38%; Quảng Ninh 10,28%). “Điểm sáng chung” của cả hai bên chính là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, là động lực tăng trưởng kinh tế với các dự án công nghệ cao tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu như Hải Phòng hiện có 12 KCN đang hoạt động (tỉ lệ lấp đầy trung bình hơn 62%), thu hút nhiều dự án trọng điểm lớn như: KCN VSIP, Tràng Duệ, Nam Đình Vũ, Nomura... thì Quảng Ninh có 7 KCN sẵn sàng hạ tầng, trong đó KCN Đông Mai, Sông Khoai, Đầm Nhà Mạc đều nằm trong bán kính 20-30km tới cảng Đình Vũ, sân bay Cát Bi (Hải Phòng). Quảng Ninh là địa phương duy nhất có biên giới cả trên bộ và trên biển với Trung Quốc, đặc biệt là các cặp cửa khẩu quốc tế song phương.

“Sự liên kết hợp tác phát triển công nghiệp giữa 2 địa phương này sẽ đóng góp vai trò rất lớn trong việc thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo vào khu vực phía Bắc, hình thành các chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, việc phát triển hạ tầng giao thông tại 2 địa phương này sẽ hình thành các tuyến đường huyết mạch, tăng khả năng kết nối vận chuyển nguyên liệu và linh kiện phục vụ sản xuất công nghiệp cho các địa phương, cũng như xuất khẩu hàng hoá từ các địa phương khác qua hệ thống cảng biển của Hải Phòng và Quảng Ninh”, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp – Bộ Công thương cho biết.

Hợp tác, liên kết là vấn đề mà 2 địa phương đặt ra từ sớm. Từ năm 2009, tỉnh Quảng Ninh và TP.Hải Phòng đã ký chương trình hợp tác, phối hợp mang tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn, cụ thể hóa các nghị quyết của trung ương. Ngày 14/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh và Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã có buổi làm việc có thể nói là lịch sử trong 20 năm qua với cơ cấu, thành phần đầy đủ nhất; không khí làm việc chân thành, cởi mở, thẳng thắn cả về tư duy và tầm nhìn trên tinh thần liên kết và bổ trợ lẫn nhau cùng phát triển.

Điểm nhấn trong phối hợp 2 địa phương là thúc đẩy hợp tác có hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng dịch vụ logistics, khai thác có hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có, như: Cảng hàng không quốc tế Cát Bi - Cảng Hải Phòng – Cảng Lạch Huyện – Cảng Cái Lân - Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Lợi thế về cảng biển không còn khai thác riêng rẽ mà từ sự kết nối của tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái sẽ vận chuyển hàng hóa đường bộ đến cửa khẩu quốc tế Móng Cái, cửa khẩu Bắc Phong Sinh, Hoành Mô, trong đó Hải Phòng là cảng đích của các hãng tàu biển cập cảng làm thủ tục hải quan, kiểm định quốc tế, các doanh nghiệp vận tải đường bộ nhận container vận tải qua Quảng Ninh.

Theo đánh giá ban đầu của một số chuyên gia, sự hợp tác, liên kết của hai địa phương chưa xứng tầm với tiềm năng thực tế của hai bên, chưa tạo ra những kết quả như mong đợi.

“Hai địa phương cần phải có sự hợp tác hơn nữa, ví dụ như: quy hoạch hệ thống cảng biển, logistic, cùng nhau hợp tác có khi lại thành một quần thể tốt. Tiềm năng của cả 2 bên vẫn chưa hết, trước hết là so với chính từng địa phương, hơn nữa là dư địa để cùng kết hợp với nhau làm những chuỗi lớn và liên hoàn”, Tiến sĩ Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu ý kiến.

Tháng 10/2021, Quảng Ninh khởi công Dự án bến cảng tổng hợp Vạn Ninh tại TP.Móng Cái, tương lai cùng với cảng Hải Phòng tạo thành nhóm cảng biển là cửa ngõ xuất nhập khẩu cho cả nước và khu vực ASEAN. Quảng Ninh, Hải Phòng cũng đặt vấn đề hợp tác phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, du lịch … Những cây cầu mới như: Bến Rừng, Lại Xuân sẽ sớm được khởi công, góp phần liên kết nội vùng, liên vùng với vùng đồng bằng sông Hồng.

“Tôi cho rằng “chìa khóa” trong việc tăng cường mối quan hệ giữa Quảng Ninh và Hải Phòng là đảm bảo rằng cả hai đều hưởng lợi từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Chúng tôi thực sự tin rằng Quảng Ninh có thể trở thành một Hải Phòng khác. Do đó, chúng tôi đã đề xuất với tỉnh Quảng Ninh cho phép chúng tôi đầu tư vào một tuyến đường biển giữa cảng Lạch Huyện và các cơ sở hạ tầng cảng biển của Quảng Ninh, tiếp cận trực tiếp các luồng giao thông đến hoặc đi từ Lạch Huyện vào Quảng Ninh”, ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C hiện đang đầu tư tại cả Hải Phòng và Quảng Ninh nói.

Hải Phòng, Quảng Ninh cũng sẽ cùng nhau xây dựng Đề án báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ xem xét, có cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng, phát triển TP.Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, để sự hợp tác toàn diện giữa 2 cực tăng trưởng này thực sự là động lực mới cho sự phát triển chung của cả vùng và cả nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giao thông kết nối liên vùng: Bước tạo đà để Lạng Sơn bứt phá
Giao thông kết nối liên vùng: Bước tạo đà để Lạng Sơn bứt phá

VOV.VN - Xác định mạng lưới giao thông là huyết mạch của nền kinh tế, tỉnh Lạng Sơn đang triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp nhiều tuyến đường theo hướng đồng bộ, kết nối liên vùng nhằm khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Giao thông kết nối liên vùng: Bước tạo đà để Lạng Sơn bứt phá

Giao thông kết nối liên vùng: Bước tạo đà để Lạng Sơn bứt phá

VOV.VN - Xác định mạng lưới giao thông là huyết mạch của nền kinh tế, tỉnh Lạng Sơn đang triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp nhiều tuyến đường theo hướng đồng bộ, kết nối liên vùng nhằm khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Hải Phòng phải trở thành động lực tăng trưởng của cả nước
Hải Phòng phải trở thành động lực tăng trưởng của cả nước

VOV.VN - Hải Phòng đặt mục tiêu bứt phá mạnh mẽ, trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á và thế thới, trở thành động lực tăng trưởng của cả nước.

Hải Phòng phải trở thành động lực tăng trưởng của cả nước

Hải Phòng phải trở thành động lực tăng trưởng của cả nước

VOV.VN - Hải Phòng đặt mục tiêu bứt phá mạnh mẽ, trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á và thế thới, trở thành động lực tăng trưởng của cả nước.

Hải Phòng tăng trưởng GRDP đạt 12,38%, dẫn đầu cả nước
Hải Phòng tăng trưởng GRDP đạt 12,38%, dẫn đầu cả nước

VOV.VN - TP Hải Phòng tiếp tục phát triển duy trì tăng trưởng ở mức cao so với cả nước, trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) năm 2021 ước tăng 12,38%, đứng đầu cả nước.

Hải Phòng tăng trưởng GRDP đạt 12,38%, dẫn đầu cả nước

Hải Phòng tăng trưởng GRDP đạt 12,38%, dẫn đầu cả nước

VOV.VN - TP Hải Phòng tiếp tục phát triển duy trì tăng trưởng ở mức cao so với cả nước, trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) năm 2021 ước tăng 12,38%, đứng đầu cả nước.