Liên tục xảy ra cháy mía, nông dân Gia Lai như "ngồi trên đống lửa"
VOV.VN - Vừa qua, vùng nguyên liệu mía ở các tỉnh phía Đông Nam tỉnh Gia Lai liên tiếp xảy ra hàng chục vụ cháy mía. Mía bị cháy không chỉ gây thiệt hại cho nông dân mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch thu mua, sản xuất của doanh nghiệp.
Hiện các địa phương phối hợp với doanh nghiệp và người dân đang triển khai nhiều giải pháp phòng chống cháy, tăng tốc thu hoạch mía giúp nông dân giảm nhẹ thiệt hai.
Những ngày này, gia đình anh Vi Văn Toàn, (trú tại thôn Thanh Hà, xã A Yun Hạ, huyện Phú Thiện) đang huy động hàng chục nhân công gấp rút thu hoạch ruộng mía vừa bị cháy tuần trước.
Anh cho biết: "Gia đình tôi trồng 1,4 ha mía nhiều năm nay, trong đó, có 8 sào là trồng đã 6 năm nay, còn lại là mới trồng được hai năm. Bây giờ chẳng may mía bị cháy thì tôi phải nhanh chóng thu hoạch. chỉ mong nhà máy đường nhanh chóng thu mua mía nguyên liệu cho bà con để mía không bị khô, giảm sản lượng”.
Cùng cảnh ngộ với anh Vi Văn Toàn, ruộng mía 5ha của anh Hoàng Ngọc Tín ở làng Kte, xã Hbông, huyện Chư Sê cũng đã bị cháy rụi. Anh cho biết, mọi năm, gia đình thu bình quân 130 tấn mía/ha. Năm nay mía bị cháy, năng suất giảm khoảng 1/3.
Theo anh Toàn: "Vừa qua, gia đình bị cháy 1,3 ha, sau đó cháy thêm 3,6 ha. Khi cháy, mấy anh em trong xóm gần rẫy nhau cũng điện cho nhau vào hỗ trợ để dập lửa. Lúc dập lửa có đeo bình bơm, chở can nước vào và huy động được 3 chiếc máy cày để cán mía xuống dập cháy. Bên nhà máy có hỗ trợ chặt sớm. thu mua khả năng sẽ thấp hơn so với giá mía tươi”.
Xã Hbông là vùng trồng mía trọng điểm của huyện Chư Sê với hơn 1500 ha. Ông Bùi Văn Cường, Phó chủ tịch UBND xã Hbông thông tin, từ đầu năm đến nay, xã đã xảy ra hai vụ cháy mía, thiệt hại gần 30 ha của 17 hộ gia đình. Chính quyền địa phương đã triển khai những giải pháp để giúp nông dân giảm nhẹ thiệt hại.
Ông Bùi Văn Cường cho biết: “Sau khi xảy ra cháy mía, UBND xã liên hệ ngay nhà máy. Đề nghị nhà máy đường huy động toàn bộ công chặt mía trên địa bàn về tại địa điểm cháy để thu hoạch mía cho bà con, để tránh hao hụt sản lượng. Xã cũng đã triển khai kế hoạch tiếp tục vận động người dân thành lập các tổ liên gia, liên rẫy với nhau chuẩn bị các phương án xe máy cày, dụng cụ nước và máy nổ để khi có sự cố thì ứng cứu kịp thời”.
Tình trạng cháy mía cũng đang xảy ra ở hầu hết các vùng nguyên liệu phía Đông Nam tỉnh Gia Lai. Ông Trần Huỳnh Đức, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Pa thông tin, niên vụ 2022-2023, huyện có trên 4.000 ha mía. Thời điểm này hơn 1.700 ha mía đã được thu hoạch. Thời tiết khí hậu khắc nghiệt cũng khiến Ia Pa xảy ra 15 vụ cháy mía trên diện tích 24ha.
“Huyện thường xuyên chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp với nhà máy đường tuyên truyền hướng dẫn nhân dân triển khai các biện pháp phòng chống cháy mía, quản lý mía, nhất là những hộ đã thu hoạch và đốt thực bì.
Ngoài ra huyện cũng trực tiếp làm việc với nhà máy đường và đề nghị đơn vị hướng dẫn nhân dân quản lý chặt chẽ vùng mía, khi thu hoạch thì tạo ra các đường ranh cản lửa để khi cháy mía không lan ra thành vùng lớn” - ông Đức cho biết.
Theo Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai, từ sau Tết Nguyên đán, tình hình cháy mía trong vùng nguyên liệu của đơn vị diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất. Đến nay, đã xảy ra 30 vụ cháy mía với diện tích thiệt hại hơn 270 ha, tăng gấp 5 lần so với vụ trước.
Ông Trương Quang Trình, Phó Giám đốc Công ty cho biết, trước tình hình mía cháy, nhà máy lên kế hoạch thu mua sớm, điều tiết nhân công hài hòa để người trồng bớt lo lắng.
Ông Trình cũng cho biết thên: "Đối với chính sách của công ty thu mua mía cháy là do chất lượng mía cháy giảm nên giá thu mua giảm 50.000 đồng/1 tấn mía. Khi mía cháy công ty tiến hành thu mua theo trình tự, theo nguyên nhân cháy, theo lịch thu hoạch để đảm bảo. Khi thu hoạch thì thu hoạch bình thường như mía tươi, thu hoạch theo thửa, gọn theo ruộng”./.