Lô hàng sầu riêng đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch
VOV.VN - Chiều 17/9, tại huyện Krông Păk, tỉnh Đắk Lắk tổ chức lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải Quan Trung Quốc.
Sự kiện mở ra cơ hội lớn cho ngành hàng sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch đi thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới.
Chuyến hàng sầu riêng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải Quan Trung Quốc là hơn 300 tấn được sản xuất tại tỉnh Đắk Lắk. Đây là địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn thứ hai cả nước (sau Tiền Giang) với khoảng 15.000 ha, sản lượng năm 2022 ước đạt khoảng 170.000 tấn.
Ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phấn khởi cho biết, hiện nay, tỉnh đã được Tổng cục Hải Quan Trung Quốc phê duyệt 4 mã cơ sở đóng gói sầu riêng và 23 mã số vùng trồng (chiếm gần một nửa mã số vùng trồng cả nước được phê duyệt). Cùng với các nỗ lực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong đàm phán, kết quả này ghi dấu những cố gắng lớn của đội ngũ nông dân, doanh nghiệp địa phương.
"Để có những lô sầu riêng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch được công bố trong buổi Lễ ngày hôm nay thì các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đã phải chuẩn bị và trải qua rất nhiều khâu kiểm tra của cơ quan chuyên môn của hai nước, đáp ứng được yêu cầu về kiểm soát sinh vật gây hại, an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện đúng quy cách về đóng gói và đảm bảo truy xuất nguồn gốc" - ông Y Giang Gry Niê Knơng nói.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật được ký kết vào ngày 11/07/2022 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc là kết quả của nỗ lực đàm phán suốt thời gian dài của các cơ quan chuyên môn giữa hai bên. Cùng với đó là sự đồng hành kiên trì của cộng đồng những người sản xuất và xuất khẩu sầu riêng Việt Nam.
Bộ trưởng nhấn mạnh, sự kiện xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đầu tiên được tổ chức là niềm vui chung của người dân vùng Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Đây là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng bởi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Cùng với cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn, giúp doanh nghiệp và nông dân thu được lợi nhuận cao hơn từ loại quả đặc sản này, xuất khẩu chính ngạch cũng đặt ra thách thức không nhỏ vì các nội dung của Nghị định thư thực chất là các yêu cầu kỹ thuật buộc bên sản xuất, đóng gói và xuất khẩu phải tuân thủ.
"Trong bối cảnh toàn cầu hoá và nông nghiệp xanh, kinh tế kết nối hiện nay, tư duy “đi cùng nhau” là bắt buộc. Trái sầu riêng hay bất kỳ một loại nông sản nào khác muốn đi xa, tạo thị trường bền vững, thì mọi cá nhân trong chuỗi giá trị nông sản cần phải chung sức chung lòng, hợp tác để cùng đi lên” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Theo Cục Trồng trọt, tổng diện tích sầu riêng nước ta hiện đạt gần 90.000 ha với sản lượng hàng năm khoảng 1,3 triệu tấn quả, được trồng chủ yếu ở Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Sản phẩm trái sầu riêng của Việt Nam được đánh giá có chất lượng rất cao. Việc được xuất khẩu chính ngạch là cơ hội quý giá đối với trái sầu riêng tươi và tiếp tục hứa hẹn kết quả đàm phán tích cực để mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam trong thời gian tới./.