Lo ngại siết hạn mức ví điện tử làm khó người dùng?
VOV.VN - Các hạn mức đưa ra hiện nay sẽ khiến người tiêu dùng gặp khó trong việc sử dụng ví điện tử để thanh toán các giao dịch có giá trị lớn.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán có quy định khá chặt chẽ về hoạt động của ví điện tử.
Theo đó, hạn mức giao dịch tối đa của ví điện tử của cá nhân là 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng, tổng hạn mức giao dịch của ví điện tử của tổ chức tối đa 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, dự thảo còn quy định mỗi khách hàng có nhu cầu chỉ được phép mở một ví điện tử tại mỗi đơn vị tổ chức cung ứng dịch vụ.
Nhiều người lo ngại, siết hạn mức ví điện tử sẽ gây khó cho người sử dụng. (Ảnh minh họa: KT) |
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định về hạn mức giao dịch ví điện tử đã hạn chế khả năng chi tiêu chính đáng và hợp pháp của người dân. Với xu hướng thanh toán trực tuyến hiện nay, giá trị nhiều mặt hàng trên các trang thương mại điện tử như TV, iPhone, tủ lạnh, máy điều hòa… cũng như các giao dịch trực tuyến khác như mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn, tour du lịch, đã có giá trị tới hàng chục triệu đồng.
Các hạn mức đưa ra hiện nay sẽ khiến người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc sử dụng ví điện tử để thanh toán các giao dịch thương mại điện tử có giá trị lớn này. Kể cả khi không áp dụng hạn mức giao dịch theo ngày thì hạn mức 100 triệu đồng/tháng như đề xuất tại Dự thảo cũng gây ra những hạn chế và phiền toái không đáng có cho người sử dụng.
Theo bản góp ý dự thảo thông tư hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trung gian thanh toán nhận thấy, quy định này sẽ hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và không phù hợp với nhu cầu sử dụng ví điện tử của khách hàng.
Việc đặt ra hạn mức sẽ khiến khách hàng buộc phải duy trì 2 hay nhiều tài khoản thanh toán cùng một lúc, không thể hạn chế việc sử dụng tiền mặt. Điều này gây tốn kém chi phí xã hội rất lớn và không phù hợp với xu hướng phát triển của kinh tế số.
Với góc độ của nhà điều hành, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết, ví điện tử ở Việt Nam đang phát triển rất nhanh. Hiện, số lượng ví điện tử đã đạt gần 5 triệu ví và được phổ cập tới mọi hoạt động thanh toán trong cuộc sống xã hội. Quan điểm chính sách của NHNN là sẽ đảm bảo cho ví điện tử hoạt động ổn định và khuyến khích nhiều người sử dụng ví điện tử, không có một chính sách nào đưa ra để kìm hãm hay làm khó với người sử dụng ví điện tử.
“Trong Nghị quyết 02 của Chính phủ có nhắc đến việc nghiên cứu báo cáo về nạp tiền vào ví điện tử mà không cần thông qua tài khoản ngân hàng. Song song với sự phát triển thì công nghệ cũng tạo ra nhiều thách thức, đặc biệt là công tác giám sát đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống. Có nhiều ý kiến cho rằng, việc đặt ra các quy định, thành lập trung tâm dự phòng là không cần thiết. Tuy nhiên, tất cả quy định mà NHNN đưa ra đều nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng”, ông Phạm Tiến Dũng cho hay./.
Siết chặt quản lý ví điện tử: Người dùng sẽ phải thực dụng hơn