Lo ngại về chọn nhà thầu của nhà đầu tư BOT
Bộ GTVT cho rằng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tham gia vào việc quản lý công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu của nhà đầu tư BOT.
Bộ GTVT quan ngại rằng, nhiều nhà đầu tư BOT chưa lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực, nên cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần kiểm soát nhiều hơn khâu này. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, để dự án BOT đạt hiệu quả, quản lý công tác lựa chọn nhà thầu chỉ là giải quyết phần ngọn.
Việc lựa chọn nhà thầu tại các dự án BOT trong giai đoạn vừa qua chủ yếu áp dụng hình thức chỉ định thầu và tự thực hiện. Ảnh: Tường Lâm |
Nhà đầu tư BOT chủ yếu chỉ định nhà thầu
Theo quy định của Luật Đấu thầu, để thực hiện gói thầu thuộc dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, doanh nghiệp dự án phải ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu để áp dụng thống nhất trong doanh nghiệp trên cơ sở bảo đảm mục tiêu công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế.
Bộ GTVT trong Báo cáo gửi Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông đầu tư theo hình thức BOT cho biết, đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT trong giai đoạn vừa qua, chủ yếu các nhà đầu tư áp dụng hình thức chỉ định nhà thầu và tự thực hiện.
Qua công tác kiểm tra của Bộ GTVT cho thấy, do các nhà đầu tư trong nước chưa có nhiều kinh nghiệm về quản lý dự án, quản lý công tác đấu thầu nên công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu tại một số dự án vẫn chưa đạt chất lượng cao, việc lựa chọn nhà thầu thi công tham gia dự án năng lực còn chưa mạnh (lựa chọn nhà thầu địa phương, nhà thầu mới thành lập chưa có nhiều kinh nghiệm thi công xây lắp)…
Tại một hội thảo về dự án BOT, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra, các hợp đồng BOT trao nhiều quyền cho nhà đầu tư, như có thể chỉ định thầu, định giá các sản phẩm xây dựng và dịch vụ tư vấn đi kèm trong quá trình đầu tư, tạm ứng vốn đầu tư cho nhà thầu (nếu có); thao túng quy trình đầu tư, hạn chế đáng kể những tiêu chuẩn, quy chuẩn cần phải có để áp dụng vào công trình,… Cho nên, động cơ của nhà đầu tư sẽ nhắm nhiều vào hưởng lợi trong quá trình xây dựng dự án, chứ không phải là thu hồi vốn trong quá trình khai thác sau này; gánh nặng nợ vay cũng như rủi ro tiềm ẩn trong tương lai là không nhỏ.
Giải quyết vấn đề từ gốc
Từ thực tế trên, Bộ GTVT cho rằng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tham gia vào việc quản lý công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu của nhà đầu tư để đảm bảo có thể lựa chọn được các nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia thực hiện các gói thầu. Bộ GTVT quy định khi đã thỏa thuận thống nhất trong hợp đồng BOT giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền (đại diện là các ban QLDA) có trách nhiệm kiểm soát công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu của nhà đầu tư về các nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu tham gia dự án.
Theo Bộ GTVT, qua quá trình triển khai, giai đoạn 2013 đến nay các quy định này đã phát huy hiệu quả trong công tác kiểm soát chất lượng, giá thành công trình và năng lực của các nhà thầu tham gia dự án.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia đấu thầu, vấn đề quản lý công tác lựa chọn nhà thầu của nhà đầu tư chỉ giải quyết phần ngọn của bài toán làm sao nâng cao hiệu quả thực hiện dự án BOT. Gốc của vấn đề vẫn là phải lựa chọn được nhà đầu tư BOT đủ năng lực qua đấu thầu cạnh tranh, minh bạch. Đồng thời, cần thay đổi cách tiếp cận về quản lý dự án BOT.
Theo thông lệ quốc tế, việc quản lý hoạt động đầu tư của các dự án PPP nói chung, dự án BOT nói riêng được thực hiện trên nguyên tắc quản lý đầu ra trên cơ sở kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Nhà đầu tư có năng lực tốt để thực hiện dự án với mức chi phí thực tế thấp hơn so với mức chi phí quy định trong hợp đồng BOT thì sẽ được hưởng phần chênh lệch; trường hợp chi phí thực tế đầu tư công trình dự án cao hơn so với chi phí ghi trong hợp đồng thì nhà đầu tư sẽ phải chịu toàn bộ phần chênh lệch này.
Do vậy, buộc nhà đầu tư phải tự quản lý chi phí dự án sao cho hiệu quả, trong đó có cả việc lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án. Nếu lựa chọn nhà thầu tốt, đảm bảo năng lực, thực hiện dự án nhanh, hiệu quả, thì nhà đầu tư sẽ tiết kiệm chi phí và được hưởng lợi. Quy định của Luật Đấu thầu là hoàn toàn theo nguyên tắc này.
Song chuyên gia này cho rằng, thực tế thực hiện dự án BOT thời gian qua và các quy định về quản lý đầu tư xây dựng hiện hành đối với dự án BOT vẫn trên nguyên tắc quản lý đầu vào, giá trị công trình dự án được quyết toán theo chi phí thực tế. Vì vậy, nhà đầu tư BOT có thể lợi dụng để tăng chi phí trong quá trình thực hiện dự án để hưởng lợi như đánh giá của Kiểm toán Nhà nước./. Chỉ định thầu làm “méo mó” các dự án BOT giao thông