Loại bỏ “virus tham nhũng, trì trệ”, tạo môi trường sạch, thu hút đầu tư

VOV.VN - Đại dịch Covid-19 đã khiến kinh tế Việt Nam gặp khó khăn nhưng cũng tạo ra cơ hội để thu hút đầu tư nước ngoài khi là điểm đến an toàn.

Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài

Phát biểu trong phiên thảo luận tại Hội trường chiều nay (15/6) Đại biểu Hoàng Văn Cường đoàn Hà Nội cho biết, Trường đại học Kinh tế quốc dân đã có một nghiên cứu công bố và dự báo kinh tế Việt Nam năm 2020 có thể đạt được 4,8% và nếu chúng ta nỗ lực thì có thể đạt đến mức 5,2 % như mục tiêu của Chính phủ đề ra.

Việt Nam đã thực hiện tốt mục tiêu phát triển bao trùm không để ai bỏ lại phía sau; tạo uy tín, thương hiệu Việt để chinh phục niềm tin của cộng đồng quốc tế đang được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn của dòng tiền đầu tư. Việt Nam không có tham vọng và không mong muốn thay thế Trung Quốc để trở thành công xưởng thế giới, nhưng đây là thời điểm rất tốt để tái cấu trúc nền kinh tế, giúp Việt Nam đón cơ hội và biến cơ hội trở thành hiện thực.

“Bên cạnh những giải pháp của Chính phủ thì cần phải có các giải pháp đặc biệt để biến các nhà đầu tư nước ngoài thành trụ cột cho các ngành sản xuất trong nước; Thủ tướng đã thành lập tổ công tác đặc biệt để chủ động tìm kiếm những nhà đầu tư; nắm bắt yêu cầu, đánh giá những điều kiện, lựa chọn và hỗ trợ cho một số doanh nghiệp trong nước có đủ tiềm lực tiếp nhận sở hữu toàn bộ hoặc một phần công đoạn sản xuất, biến các nhà đầu tư nước ngoài trở thành một phần của các tập đoàn trong nước”, đại biểu Cường nói.

Cần tạo môi trường kinh doanh trong sạch để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. (Ảnh minh họa)

Vấn đề thứ hai, cần có giải pháp tăng cường tiềm lực về nguồn vốn cho các doanh nghiệp trong nước từ nguồn vốn vay quốc tế.

Trước đó, Quốc hội tranh luận về việc phải chuyển đổi một số dự án đầu tư từ PPP sang đầu tư công vì Ngân hàng không đủ tiền vốn và tài trợ doanh nghiệp, trong khi tiền vốn trên thị trường quốc tế đang rất sẵn có và mức lãi suất rất thấp.

“Cần có cơ chế để ngân hàng thương mại đi vay vốn quốc tế cho các doanh nghiệp trong nước vay lại theo phương thức tự vay, tự trả. Để tạo bước phát triển đột phá thì phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Trước hết là đổi mới sáng tạo trong quản lý, phải thay thế cơ chế đánh giá dựa vào sự tuân thủ quy trình, quy định sang cơ chế đánh giá dựa vào kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo trong kinh tế. Nếu cứ bắt buộc phải tuân thủ đúng quy trình, quy định để có đổi mới sáng tạo, nếu cố đổi mới sáng tạo thì chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng vi phạm và sẽ bị xử lý”, ông Cường nói.

Minh bạch, tạo môi trường “sạch” để thu hút đầu tư

Đồng tình với các góp ý về tạo môi trường thu hút đầu tư nước ngoài, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đoàn Đồng Tháp cho rằng, hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã có tổ tư vấn kinh tế và từ khi thành lập đến nay thì tổ tư vấn kinh tế đã tư vấn và khuyến nghị với Thủ tướng nhiều giải pháp, biện pháp ứng phó kịp thời với những biến động bất thường của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế.

Thủ tướng đã tổ chức nhiều hội nghị, thậm chí được gọi là hội nghị Diên Hồng để lắng nghe doanh nghiệp, đã có nhiều quyết sách để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Gần đây nhất, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đã được tổ chức với quy mô khoảng 6.000 đại biểu tham dự tại các điểm cầu để tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có giải pháp hỗ trợ gói tín dụng và tài khóa với quy mô chưa từng có trong bối cảnh nguồn tài chính quốc gia còn hạn hẹp.

Khảo sát mới nhất của VCCI cho thấy, có 55% doanh nghiệp sẽ tiếp tục duy trì quy mô kinh doanh như hiện nay trong quý III và 22% có ý định mở rộng quy mô sản xuất.

“Tuy nhiên, trên thực tế thì vẫn còn tồn tại nhiều rào cản về cơ chế, cách thức điều hành có thể gây khó cho doanh nghiệp. Đó là câu chuyện liên quan tới các loại “virus tham nhũng”, “virus trì trệ” và "virus vô cảm", virus này không thua kém gì virus Corona” - Đại biểu Hoa nói

Với tinh thần chống dịch như chống giặc, bà Hoa mong muốn, Thủ tướng cùng Chính phủ quyết liệt hơn nữa, quyết tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo cuộc chiến chống các loại “virus”. Phải quyết tâm khoanh vùng, dập dịch ngăn chặn từ xa và chữa bệnh triệt để để từng bước tạo một môi trường minh bạch, trong lành phát triển kinh tế xã hội.

Bên cạnh đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các ngành, các địa phương tăng cường đối thoại với doanh nghiệp và lắng nghe doanh nghiệp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên