Loay hoay tìm đầu ra cho quýt Bắc Kạn
VOV.VN - Khó khăn về đầu ra của sản phẩm quýt Bắc Kạn đã diễn ra vài năm trở lại đây. Tỉnh Bắc Kạn đã có khuyến cáo người dân không tự ý mở rộng diện tích.
Sản phẩm quýt Bắc Kạn đã khẳng định được thương hiệu với việc có Chứng nhận chỉ dẫn địa lý từ năm 2012, trở thành một loại cây kinh tế mũi nhọn của địa phương này. Tuy nhiên, vụ thu hoạch năm nay người trồng quýt ở đây vẫn phải chật vật tìm đầu ra cho sản phẩm trên thị trường.
Những ngày này, dọc quốc lộ 3B đoạn qua xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, thứ có thể bắt gặp nhiều nhất đó là những sạp, những gánh quýt vàng ươm, bày la liệt. Tuy vậy, thi thoảng mới có khách đi đường dừng xe mua về làm quà.
Chị Nguyễn Thị Thu Hoài, thôn Nà Vài, xã Quang Thuận mang 2 sọt quýt vừa hái từ trên đồi xuống. Chị Hoài cho biết, năm nay giá quýt tại vườn đã giảm nhiều so với cùng năm trước. Nếu vụ trước loại quả to khi mang ra đến quốc lộ như thế này có thể bán 13.000 - 15.000 đồng/kg thì năm nay chỉ còn 8.000 -10.000 đồng, thậm chí thấp hơn. Quýt loại bé xuống còn 3.000 đồng/kg nhưng bán cũng không dễ.
Người dân thôn Nà Vài, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn mang những gánh quýt vừa hái trên đồi xuống bày bán trên tuyến Quốc lộ 3B. |
“Chỉ có bán ở mặt đường này thôi, nếu không bán được thì đi ra chợ ngoài kia, nhưng cũng bão hòa rồi, nhiều quýt lắm, người bán nhiều hơn người mua nên họ trả giá rẻ lắm. Chỉ có khách mua là thương lái đến đây, nhưng họ cũng ép giá, mình không bán họ lên trên kia mua. Với sáng không bán được thì chiều mình rẻ cũng phải bán” - chị Hoài nói.
Xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông là vùng trọng điểm cam quýt của tỉnh Bắc Kạn. Cả tỉnh hiện có hơn 2.000 ha quýt cho thu hoạch. Riêng xã Quang Thuận đã có khoảng 600 ha với sản lượng ước tính 6.500 tấn quả. Những năm trước quýt được giá, được mùa giúp nhiều hộ dân trở thành triệu phú, cũng chính vì thế diện tích đã tăng nhanh chóng ra toàn tỉnh.
Mặc dù chính quyền các cấp tỉnh Bắc Kạn và các đơn vị, doanh nghiệp đã có nhiều động thái tích cực như quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường như: Tổ chức Lễ hội cam quýt Bắc Kạn, tổ chức giới thiệu sản phẩm tại Siêu thị BigC - Hà Nội, tham gia hội chợ để chào hàng ở nhiều các tỉnh, thành phố… tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa cao.
Quýt được mùa nhưng giá bán xuống thấp và tiêu thụ chậm hơn so với vụ trước. |
Ông Hà Thiêm Doanh, Chủ tịch UBND xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông cho biết, hiện chỉ có một vài hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nhưng chỉ vài tấn mỗi ngày. Năm nay quýt được mùa nhưng sức tiêu thụ mới chỉ bằng 2/3 so với cùng kỳ năm trước.
“Rất nhiều nơi, nhiều huyện, xã đều có cam quýt nên giá bán không ổn định, theo hướng xuống thấp. Địa phương mong muốn làm sao xây được những kho bảo quản, thứ hai là có thể có vài nhà máy sản xuất tinh dầu, chế biến sản phẩm từ quả cam, quýt. Và mong nữa là sao có hợp đồng bao tiêu để đưa cam quýt vào được các siêu thị trong cả nước” - ông Doanh nói.
Quýt thường chín rộ một thời gian ngắn rồi dễ bị rụng, hỏng do mưa phùn, gió bấc và các loại sâu, bướm gây hại buộc người dân phải bán gần như ồ ạt cùng lúc nên càng dễ bị ép giá. Một trong những cách để người dân có thể thoát được cảnh rớt giá là hái quả về bảo quản, bán vào dịp tết. Tuy vậy hiện vẫn chưa có phương pháp hữu hiệu. Những năm trước bà con đã sử dụng túi nilon bọc quả, để nơi thoáng mát nhưng tỷ lệ hư hỏng thường lên đến một nửa.
Tình trạng khó khăn về đầu ra của sản phẩm quýt Bắc Kạn đã diễn ra vài năm trở lại đây. Trước tình trạng trên, tỉnh Bắc Kạn đã có quy hoạch vùng trồng cây có múi toàn tỉnh và khuyến cáo người dân không tự ý mở rộng diện tích. Đồng thời hướng dẫn người dân nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tiếp tục tìm kiếm, mở rộng địa bàn tiêu thụ với hy vọng hướng tới những thị trường lớn, ổn định hơn trong thời gian tới./.
Đầu ra cho cà phê Đăk Lăk: Chất lượng và kết nối cung cầu