Lộc đầu năm của biển

"Lộc” của biển đầu năm đã giúp cho bà con ngư dân có điều kiện sửa chữa, đóng mới tàu thuyền để bám biển dài ngày. Đây là tín hiệu vui mở đầu cho mùa khai thác hải sản của bà con ngư dân.

Niềm vui được mùa

Những ngày sau Tết Nguyên đán Kỷ Sửu ở cảng Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) không khí mua bán hải sản nhộn nhịp. Trên những khoang thuyền no ắp đầy cá lần lượt cập cảng để tiêu thụ hải sản và tiếp thêm nhiên liệu, các nhu yếu phẩm chuẩn bị cho những chuyến ra khơi tiếp theo. Trên khuôn mặt của những thuyền viên ai cũng rạng rỡ vì được mùa đánh bắt hải sản. Trên bờ, hàng trăm “đầu nậu” mua bán nhộn nhịp.

Ông Nguyễn Cư, ở thôn Thạnh Đức 1, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ chủ tàu QNg 4135 TS có công suất 90 mã lực cho biết, tàu của ông làm nghề vây rút, kể từ sau Tết Nguyên đán Kỷ Sửu đến nay đã ra khơi 3 chuyến biển đều trúng đậm.

Phơi cá để xuất khẩu

Hải sản được đánh bắt đủ các lọai từ cá chim, cá thu, cá hố đến cá cơm, cá chuồn, đặc biệt là cá cơm rất nhiều. Bình quân mỗi thuyền có công suất dưới 90 mã lực, tối ra khơi sáng vào bờ, đánh được từ 2-3 tấn cá cơm trắng tươi. Hầu hết, cá cơm ở đây được sơ chế và xuất khẩu. Được mùa lại được giá nên bà con ngư dân rất phấn khởi. Ông nguyễn Văn Bình, chủ tàu QNg 3521 TS làm nghề lưới chuồn nói: “Nghề biển của chúng tôi năm nay kiếm ăn được nhờ phần được giá. Từ lộng đến khơi thuyền nào tệ nhất cũng được ba chục triệu đến 60 triệu đồng…”

Đuợc mùa cá

Được mùa đánh bắt hải sản  nên các đại lý mua bán cá ở đây họat động sôi nổi hơn so với mọi năm. Những chiếc xe đông lạnh, những chiếc xe thồ tấp nập nối đuôi  nhau “ăn hàng” để cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến hải sản và đem đi tiêu thụ khắp nơi trong tỉnh. Chị Nguyễn Thị Kế, chủ đại lý mua bán hải sản ở cảng cá Sa Hùynh, huyện Đức Phổ cho biết, so với mọi năm thì tháng Giêng năm nay mua được nhiều cá hơn. Mấy năm trước tháng Giêng họ không đi đánh bắt. Năm nay họ đánh bắt nhiều hơn

Sau Tết Nguyên đán Kỷ Sửu, 28 cơ sở chế biến hải sản ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ đông đảo lao động. Các bếp sấy hải sản đỏ lửa trở lại sau thời gian nguội lạnh vì không có hải sản để sơ chế. Các cơ sở chế biến này đã thu hút hơn 400 lao động nữ ở địa phương có việc làm, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Tạo điều kiện để ngư dân bám biển

Ông Trần Em, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết, toàn huyện hiện có hơn 2.100 tàu thuyền; trong đó có hơn 1/3 tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Cuối năm vừa qua nhờ nhận  được tiền hỗ trợ xăng dầu theo Quyết định 289 của Chính phủ  đã tạo điều kiện cho bà con ngư dân đóng mới, sửa chữa tàu thuyền để vươn ra khơi xa. Sau Tết Nguyên đán Kỷ Sửu đến nay bà con ngư dân huyện Đức Phổ đã đánh bắt hơn 4.500 tấn hải sản các lọai, chiếm tỷ lệ gần 20% kế họach sản lượng khai thác năm 2009.

Ngoài tôm cá còn có ruốc

Ông Trần Em, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết, để duy trì đánh bắt thủy sản, ngoài việc tiếp tục chi tiền hỗ trợ của nhà nước theo Quyết định 289 của Chính phủ, huyện còn đề ra các biện pháp khuyến khích cho ngư dân đóng các tàu có công suất lớn hơn và trang thiết bị hiện đại cứu hộ cứu nạn, thông tin ngư trường đánh bắt cho bà con ngư dân.

Sau những ngày đón xuân vui tết, ngư dân Quảng Ngãi  được mùa đánh bắt. Thời tiết đang thuận lợi, giá dầu liên tục giảm trong những ngày gần đây đã tạo thêm khí thế cho những chuyến đi biển đầu năm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.