Logistics Việt Nam đóng góp GDP thấp, chi phí của doanh nghiệp lại cao
VOV.VN - Phát triển cộng đồng doanh nghiệp Logistics, mở rộng thị phần trong nước và thâm nhập thị trường quốc tế, nâng đóng góp của ngành cho GDP…
Đây là một trong những yêu cầu mà Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2018 diễn ra hôm nay (7/12) tại Hạ Long, Quảng Ninh với chủ đề “Logistics kết nối các vùng tăng trưởng kinh tế”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu mở rộng thị phần logistics trong nước và thâm nhập thị trường quốc tế, góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp. |
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định: Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực logistics, thể hiện rõ qua nhiều văn bản, quyết định về chiến lược phát triển kinh tế biển nhấn mạnh nhu cầu xây dựng hoàn thiện hạ tầng Logistics kết nối liên thông các cảng biển. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, hiện nay đóng góp của Logistics cho GDP còn khá khiêm tốn, chỉ từ 3-4%, trong khi chi phí lại cao hơn các quốc gia khác. Do đó, việc nâng cao năng lực các doanh nghiệp Logistics chính là yếu tố mấu chốt hiện nay:
Chúng ta phải phát triển cộng đồng doanh nghiệp Logistics để mà mở rộng thị phần trong nước, thâm nhập vào thị trường quốc tế, làm sao để đóng góp của ngành này với GDP ngày một tăng lên và chi phí Logistics doanh nghiệp nói chung ngày càng giảm xuống theo chủ trương chung là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, của doanh nghiệp và của sản phẩm. Đây là vấn đề mấu chốt, cốt lõi của tất cả diễn đàn liên quan Logistics, Chính phủ và Thủ tướng cũng đều kỳ vọng vào sự hiến kế của các nhà quản lý, các hiệp hội.
Theo số liệu của Bộ Công thương, hiện nay, cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp dịch vụ logistics, hoạt động trong các lĩnh vực từ vận tải cho đến giao nhận, kho bãi, đại lý hải quan, giám định, kiểm nghiệm hàng hóa, bốc dỡ hàng hóa... và đảm nhận một phần dịch vụ logistics quốc tế. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về Chỉ số hoạt động logistics công bố tháng 7 năm 2018, Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham dự Công bố Báo cáo Logistics Việt Nam 2018. |
Theo đánh giá chung tại diễn đàn, các doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu ở quy mô nhỏ, tới 90% doanh nghiệp khi đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng, trong khi đó số doanh nghiệp logistics tham gia Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics mới chỉ có trên 360 doanh nghiệp, cho thấy tính liên kết của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, đa số vẫn hoạt động đơn lẻ.
Ông Mai Công Luật, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải Bình Hải cho rằng, "Yếu của các doanh nghiệp hiện nay là nguồn nhân lực chất lượng cao là rất thiếu do trước đây cũng chưa được đào tạo bài bản. Thứ hai là vấn đề về hệ thống, đó là mối quan hệ giữa các đại lý logistics trong nước và nước ngoài chưa có sự kết nối chặt chẽ, có nhiều yêu cầu của nước ngoài nhưng hiện các doanh nghiệp logistics chưa đáp ứng được".
Cũng tại diễn đàn, các đại biểu cũng nhất trí cho rằng nâng cao hơn chất lượng hạ tầng, mở rộng thị trường dịch vụ, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ Logistics và kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về vấn đề này chính là điều kiện cần thiết để ngành Logistics Việt Nam phát triển hơn trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ của Diễn đàn chiều nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trực tiếp đi khảo sát một số Trung tâm Logistics tại Hải Phòng và thăm nhà máy sản xuất ôtô Vinfast tại huyện đảo Cát Hải, Hải Phòng./. Viettel Post phát triển logistics cạnh tranh với GoViet, Grab
Ngành logistics Việt cần tăng cường năng lực quản trị