Lối đi nào cho người trồng mía Hậu Giang?

VOV.VN - Trồng mía lỗ nặng nhưng người dân vẫn chưa biết chuyển đổi sang cây trồng thích hợp do khó khăn về thổ nhưỡng và tiền vốn đầu tư.

Đến thời điểm này, tại tỉnh Hậu Giang vẫn còn hàng nghìn ha mía chưa được thu hoạch. Điều đáng nói là vụ mía này còn chưa kết thúc nhưng nông dân tại những nơi đã thu hoạch xong mía lại đang tất bật xuống giống vụ mía mới, dẫu biết rõ thời gian qua cây mía không mang lại hiệu quả cao. Gắn bó hay từ bỏ cây mía là vấn đề day dứt mà nông dân nơi đây chưa thể quyết định được.  

Vừa mới thu hoạch xong 5 công mía ROC16, ông Trần Văn Cứ ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp lại tất bật đào hộc xuống giống vụ mía mới. Theo ông Cứ, dù biết rõ trồng cây mía hiện nay khá bấp bênh, giá cả không ổn định, thua lỗ dễ xảy ra nhưng nếu từ bỏ loại cây này thì gia đình ông không biết phải trồng cây gì, bởi qua nhiều năm trồng mía bị thua lỗ gia đình đang gặp nhiều khó khăn.

“Mía năm nào cũng bị mất giá nên người nào trồng cũng bị lỗ. Nhưng với với vùng đất thấp trũng như ở địa phương nếu bỏ cây mía bà con cũng chưa biết trồng cây gì. Muốn chuyển đổi cây trồng thì cũng phải cuốc đất lên, nhưng cũng không có đủ đất để cuốc. Hơn nữa, đồng vốn đầu tư vào trồng mía giờ cũng mất, người nào may mắt trúng thì lấy công làm lời, coi như lấy tiền cũ đổi tiền mới”, ông Cứ chia sẻ.

Lại một vụ mía mới đầy âu lo của người dân Phụng Hiệp khi chi phí sản xuất tăng cao.

Đến thời điểm này, nông dân Hậu Giang đã thu hoạch được hơn 6.000 ha mía, còn khoảng 2.000 ha mía đang chờ thu hoạch trên đồng. Trong khi đó, tại huyện Phụng Hiệp là địa phương có vùng mía nguyên liệu lớn nhất vùng ĐBSCL, nông dân đã xuống giống vụ mía mới được hơn 300 ha.

Điều đáng nói là bỏ cây mía không được nhưng trồng lại cây mía mới thì nông dân càng lo lắng hơn. Nghịch lý đang diễn ra tại đây là mía nguyên liệu được thu mua với giá thấp, tối đa chỉ hơn 700 đồng/kg đối với mía 10 chữ đường nhưng mía giống lại được thương lái bán cho nông dân ở mức cao ngất ngưởng.

Cụ thể, giá mía giống được các thương lái chở từ huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng về giao lại cho nông dân với mức 1.400 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, chi phí nhân công đào hộc mía hiện nay cũng ở mức 800-900 đồng/m, tăng 100 đồng/m. Vì vậy để xuống giống được 1 công trong vụ mía mới, nông dân phải tốn chi phí mua mía giống và chi phí mướn nhân công đào hộc khoảng 4 triệu đồng, tăng 20% so với năm ngoái.

Không hy vọng gì ở cây mía nhưng nông dân ở đây buộc lòng phải trồng gì không có hướng đi khác. Chị Nguyễn Thị Cẩm Tú ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp cho biết, giá mía rẻ quá, nhưng người dân vẫn phải trồng vì không trồng mía thì không biết trồng cây gì khác. “Muốn chuyển đổi cây trồng khác cần có nhiều vốn, nhà nào ít vốn vẫn cứ đeo theo cây mía. Trồng cây cam, cây bưởi sẽ tốn rất nhiều chi phí nếu không có tiền không làm được”, chị Tú phân trần.

Trước những khó khăn của người trồng mía, hiện nay huyện Phụng Hiệp đang triển khai nhiều chương trình vận động người dân chuyển đổi sang cây trồng khác. Tuy nhiên địa phương xác định việc chuyển đổi cần phải có thời gian và quá trình thực hiện phải từng bước, bởi hiện nay người trồng mía đang gặp khó khăn về nguồn vốn để chuyển đổi cây trồng.

Gía mía giống ở Phụng Hiệp thời điểm này tăng 200 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp cho biết, bà con ở địa phương đã có tập quán trồng mía từ lâu đời, trước kia lợi nhuận từ mía cũng khá cao nhưng những năm gần đây giá mía xuống thấp người trồng mía lâm vào cảnh khó khăn. Bà con muối chuyển đổi sang các loại cây trồng khác như cây ăn trái lại cần nguồn vốn lớn nên tình cảnh đang hết sức khó khăn.

“Lo lắng của huyện là vấn đề tiêu thụ sản phẩm, bởi hiện nay đa số các doanh nghiệp còn chưa đến địa bàn huyện Phụng Hiệp. Khi huyện giúp người dân chuyển đổi cây trồng rồi sẽ phải tính đầu ra cho sản phẩm đó. Hiện nay, một số diện tích trồng mía đã được chuyển đổi, hướng sắp tới sẽ tiếp tục chuyển thêm từ 500-1.000 ha”, ông Tuấn cho hay.

Trong điều kiện khó khăn hiện nay, nhất là Hiệp định ATIGA sẽ có hiệu lực với ngành mía đường vào đầu năm tới, việc tiếp tục bám cây mía của nông dân Hậu Giang có thể là việc làm mang nhiều rủi ro. Tuy nhiên, do cây mía là loại cây trồng đã gắn bó bao đời với người dân nơi đây nên muốn thay đổi không phải là chuyện một sớm, một chiều mà cần phải có thời gian và cần có những chủ trương, chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hậu Giang: Mía ngập nước chết, người trồng mía trắng tay
Hậu Giang: Mía ngập nước chết, người trồng mía trắng tay

VOV.VN - Người nông dân trồng mía ở Phụng Hiệp, Hậu Giang đang có nguy cơ mất trắng khi mía bị ngập nước.

Hậu Giang: Mía ngập nước chết, người trồng mía trắng tay

Hậu Giang: Mía ngập nước chết, người trồng mía trắng tay

VOV.VN - Người nông dân trồng mía ở Phụng Hiệp, Hậu Giang đang có nguy cơ mất trắng khi mía bị ngập nước.

Sau vụ "mía đắng", nguy cơ nông dân ở Phú Yên sẽ bỏ trồng mía
Sau vụ "mía đắng", nguy cơ nông dân ở Phú Yên sẽ bỏ trồng mía

VOV.VN - Vụ mía đường vừa qua, giá thu mua mía xuống thấp, người dân Phú Yên phải đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu vốn tái đầu tư vùng nguyên liệu mía. 

Sau vụ "mía đắng", nguy cơ nông dân ở Phú Yên sẽ bỏ trồng mía

Sau vụ "mía đắng", nguy cơ nông dân ở Phú Yên sẽ bỏ trồng mía

VOV.VN - Vụ mía đường vừa qua, giá thu mua mía xuống thấp, người dân Phú Yên phải đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu vốn tái đầu tư vùng nguyên liệu mía. 

Thua lỗ vì trồng mía, nhiều hộ dân Trà Vinh phải cầm sổ đỏ trừ nợ
Thua lỗ vì trồng mía, nhiều hộ dân Trà Vinh phải cầm sổ đỏ trừ nợ

VOV.VN - Bị thua lỗ nặng nề, hàng trăm hộ trồng mía ở Trà Vinh giao sổ đất cho chủ nợ, bỏ xứ đi làm thuê; trong đó có nhiều hộ không còn khả năng trả nợ.

Thua lỗ vì trồng mía, nhiều hộ dân Trà Vinh phải cầm sổ đỏ trừ nợ

Thua lỗ vì trồng mía, nhiều hộ dân Trà Vinh phải cầm sổ đỏ trừ nợ

VOV.VN - Bị thua lỗ nặng nề, hàng trăm hộ trồng mía ở Trà Vinh giao sổ đất cho chủ nợ, bỏ xứ đi làm thuê; trong đó có nhiều hộ không còn khả năng trả nợ.