Lời giải cho đầu ra bền vững của nông sản Tây Bắc

VOV.VN - Trước hết cần thay đổi tư duy, tổ chức lại sản xuất, củng cố chặt chẽ các khâu liên kết, tạo ra chuỗi giá trị cao trong một nền kinh tế nông nghiệp xanh bền vững.

Nằm giữa vùng “lõi nghèo” của cả nước, đa phần người dân sinh sống dựa vào canh tác nông nghiệp, các tỉnh Tây Bắc vẫn luôn ưu tiên việc tìm đầu ra cho nông sản là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Nhưng bài toán này phải giải thế nào cho hiệu quả, bảo đảm tính liên kết bền vững, nâng cao giá trị?

5 năm trước, nương chuối hơn 1.500 gốc của gia đình anh Hoàng Phủ Hò, ở bản Thèn Sin, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu là cả một gia tài, nhưng giờ đây đã trở thành một gánh nặng, vì giá chuối rớt những 7 - 8 lần khi thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc 2 năm nay liên tục “đóng băng” vì dịch Covid-19.

“Từ năm 2020 giá chuối bắt đầu xuống thấp và 1 một tháng nay không ai mua nữa. Bây giờ nhà nào nuôi lợn sẽ đi chặt chuối về để cho lợn ăn, không nuôi lợn thì cứ để chuối ở trên cây ai xin thì cho, không có ai xin thì cứ để chín rụng”, anh Hò cho biết.

Câu chuyện của anh Hò có thể gặp ở bất cứ đâu tại Phong Thổ - vựa chuối lớn nhất của tỉnh biên giới Lai Châu. Ngay ở thời điểm này, danh hiệu ấy chưa bị ai lấy đi mất, nhưng diện tích trồng chuối thì đã giảm gần 1.000 ha so với trước vì bà con không đủ vốn và sự kiên nhẫn lâu như vậy. Ở Phong Thổ, dù cây chuối nằm trong danh sách các cây trồng chủ lực, nhưng tại địa phương hiện cũng chưa có một kho bảo quản lạnh hay dây chuyền chế biến chuối nào.

Cách đó không xa, tại tỉnh Lào Cai, nhóm nông sản như chuối quả, dứa quả, cá hồi, cá tầm, lợn hơi… cũng từng chịu cảnh rớt giá thê thảm. Sau không ít bài học đắt giá, nhiều d

oanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ đã chủ động rút kinh nghiệm. Như cơ sở chăn nuôi của anh Lù Văn Phong, tại thôn Cốc Sâm 5, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai là một ví dụ. Bằng cách hiện đại hóa sản xuất, tăng cường liên kết, đa dạng đầu ra, đàn trâu, bò, ngựa nuôi nhốt quy mô 60 con của gia đình anh hoạt động khá hiệu quả, cho lợi nhuận trên 500 triệu đồng/năm.

“Cỏ cho vật nuôi cơ sở có ít nên hầu như phải thu mua của bà con. Tôi nói với bà con, với những mảnh ruộng nằm ven suối, cứ đến mùa lũ bị thất thu nên chuyển đổi bằng cách trồng cỏ, vừa đỡ vất vả vừa có thêm thu nhập. Hiện nay đã có trên 30 hộ chuyển sang trồng cỏ bán cho cơ sở và bên mình cũng tận dụng được nguồn cỏ bằng cách đầu tư máy cắt thái để gia súc có thể ăn được hết”, anh Phong chia sẻ.

Một trong những giải pháp để hạn chế tình trạng “được mùa, rớt giá” là tăng cường thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. Bên cạnh các chính sách ưu đãi, Lào Cai mới đây đã thể hiện quyết tâm cải tổ diện mạo nông nghiệp thông qua việc mạnh dạn thí điểm tách nội dung giải phóng mặt bằng thành dự án riêng, tổ chức thực hiện độc lập, kinh phí do ngân sách tỉnh đảm bảo để tạo quỹ đất sạch cho nhóm dự án chế biến nông, lâm, thủy sản. Riêng trong năm 2021, toàn tỉnh đã lập kỷ lục thu hút được 10 dự án đầu tư chế biến sâu vào lĩnh vực này, góp phần tháo gỡ nhiều nút thắt mà những năm trước còn vướng mắc.

Tại vùng lòng chảo Điện Biên, những dự án cánh đồng mẫu lớn diện tích cả trăm ha với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, phối hợp với bà con sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm lúa gạo Bắc Thơm 7, IR64, Vai gãy chất lượng cao đã cho hiệu quả tích cực. Theo bà Hoàng Thị Hiên, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green, xã Thanh An, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, sau 4 năm triển khai chuỗi liên kết, sản phẩm lúa gạo luôn ổn định đầu ra với giá bán cao hơn 10 – 15% so với thị trường.

“Năm 2017 công ty đã bắt đầu liên kết được với 77 hộ dân để thành lập chuỗi liên kết, đến bây giờ vẫn duy trì và mở rộng thành hơn 100 hộ và công ty rất mong muốn được liên kết với nhiều hộ dân hơn nữa. Công ty hiện áp dụng quy trình khép kín, từ làm giống cho đến gieo cấy và thu hoạch; các hộ dân canh tác theo chuỗi được quản lý và giám sát”, bà Hiên cho hay.

Ở Tây Bắc, “hiện tượng” Sơn La là bài học thành công về tái cơ cấu nông nghiệp. Bằng những chủ trương đúng và trúng, chỉ sau vài năm Sơn La đã sở hữu vùng trồng cây ăn quả lớn nhất - nhì cả nước. Hết năm 2021, giá trị sản xuất nông, lâm, nghiệp, thủy sản của Sơn La đạt gần 15.000 tỷ đồng; trong đó, gần 20 sản phẩm nông sản xuất khẩu tới thị trường 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Toàn tỉnh Sơn La hiện đang có gần 800 hợp tác xã, trong đó 30% ứng dụng công nghệ cao, 80% hoạt động ở các địa bàn khó khăn; doanh thu bình quân mỗi hợp tác xã đạt 2 tỷ đồng/năm, bảo đảm thu nhập trung bình mỗi thành viên 4 triệu đồng/tháng.

Những vùng nguyên liệu rộng lớn và chính sách cởi mở của Sơn La đã thu hút nhiều doanh nghiệp mạnh vào đầu tư như Tập đoàn Vinamilk, Tập đoàn TH, Công ty CP Thực phẩm Đồng Giao, Tổng công ty chè Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam... 

Với những thành tựu đã có, trên tinh thần Nghị Quyết 11 của Bộ Chính trị mới ban hành, Sơn La đề ra mục tiêu phấn đấu trở thành Trung tâm chế biến nông sản vùng trung du, miền núi Bắc Bộ trong tương lai. Nhưng để đạt được thì còn rất nhiều khó khăn phải khắc phục, như nâng cấp hạ tầng giao thông, logictics, hoàn thiện chuỗi liên kết toàn diện từ sản xuất đến tiêu thụ và đặc biệt là liên kết giữa các tỉnh trong khu vực.

“Trong liên kết vùng còn khó khăn đó là liên kết giữa các loại cây trồng của các tỉnh với nhau, phải tạo ra các vùng trồng đủ lớn giữa các tỉnh cho các nhà máy chế biến lớn, để làm sao không có sự chồng chéo và phát triển nóng sẽ tạo thành liên kết vùng bền vững”, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, để thoát khỏi lối mòn “nhỏ lẻ, manh mún, tự phát” ở Việt Nam nói chung và Tây Bắc nói riêng, cần phải thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Trước hết cần tổ chức lại sản xuất, lấy kinh tế tập thể làm tiền đề, thúc đẩy các hợp tác xã quy mô lớn phát triển, vừa nuôi dưỡng các hợp tác xã vừa, nhỏ, thậm chí siêu nhỏ; củng cố chặt chẽ các khâu liên kết, tạo ra chuỗi giá trị cao trong một nền kinh tế nông nghiệp xanh bền vững.

“Ngoài nâng cao sản lượng, năng suất, chất lượng ngành nông nghiệp phải cải tiến quy trình canh tác, để chứng minh rằng những sản phẩm của Việt Nam là những sản phẩm của nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, từ đó quy mô nền kinh tế tăng lên, giá trị mang lại cũng cao hơn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng lưu ý, với địa bàn chiến lược như Tây Bắc cũng cần “nghĩ khác, nghĩ mới, nghĩ lớn” để phát huy được vai trò là cửa ngõ, là phên dậu, là lá phổi xanh của vùng cũng như của cả nước. Nhưng bản thân Tây Bắc nằm trong vùng “lõi nghèo”, còn rất nhiều khó khăn thì chủ thể con người vô cùng quan trọng, đây mới là động lực thực sự để tạo đột phá nên cần hỗ trợ, trang bị kiến thức cho nông dân, đồng bào thiểu số ngay tại thôn, bản để họ tham gia tích cực vào nền kinh tế nông nghiệp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đặc sản món nướng Tây Bắc hút khách Hà thành
Đặc sản món nướng Tây Bắc hút khách Hà thành

VOV.VN - Vẫn là những con gà nướng, cá nướng vàng ươm mang hương vị núi rừng, song những món đặc sản Tây Bắc này được “lên đời” để phù hợp hơn với xu hướng tiêu dùng hiện đại. Nhờ đó, dân buôn bán hết vài ngàn con gà nướng mỗi tháng.

Đặc sản món nướng Tây Bắc hút khách Hà thành

Đặc sản món nướng Tây Bắc hút khách Hà thành

VOV.VN - Vẫn là những con gà nướng, cá nướng vàng ươm mang hương vị núi rừng, song những món đặc sản Tây Bắc này được “lên đời” để phù hợp hơn với xu hướng tiêu dùng hiện đại. Nhờ đó, dân buôn bán hết vài ngàn con gà nướng mỗi tháng.

Mang đặc sản Tây Bắc vào thị trường TPHCM
Mang đặc sản Tây Bắc vào thị trường TPHCM

VOV.VN - Tuần lễ đặc sản Tây Bắc và các tỉnh miền núi phía Bắc vừa khai mạc tại siêu thị Big C An Lạc, TPHCM.

Mang đặc sản Tây Bắc vào thị trường TPHCM

Mang đặc sản Tây Bắc vào thị trường TPHCM

VOV.VN - Tuần lễ đặc sản Tây Bắc và các tỉnh miền núi phía Bắc vừa khai mạc tại siêu thị Big C An Lạc, TPHCM.

Măng rừng, đặc sản của vùng cao Tây Bắc
Măng rừng, đặc sản của vùng cao Tây Bắc

VOV.VN -Mùa này, tiết trời chuyển sang đông, người vùng cao Tây Bắc đeo gùi lên núi hái măng rừng.

Măng rừng, đặc sản của vùng cao Tây Bắc

Măng rừng, đặc sản của vùng cao Tây Bắc

VOV.VN -Mùa này, tiết trời chuyển sang đông, người vùng cao Tây Bắc đeo gùi lên núi hái măng rừng.