Mở tín dụng cho một số nhóm bất động sản:

Lối ra cho ngành vật liệu xây dựng

Liệu việc mở van tín dụng đối với một số nhóm bất động sản có tháo gỡ khó khăn cho các ngành sản xuất vật liệu xây dựng trong thời gian tới?

Tăng trưởng âm

Tháng 10/2011, lượng thép tiêu thụ tiếp tục giảm so với các tháng trước đó khi chỉ đạt 326.000 tấn. Trong tháng 9, lượng thép bán ra ở mức 450.000 tấn, còn tháng 8 lượng tiêu thụ là 483.000 tấn. Vào cuối tháng 10, Bộ Công thương đã phải tổ chức một hội nghị được xem là “Hội nghị Diên Hồng” nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành thép. Nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có một biện pháp khả thi nào được đưa ra.

Từ đầu năm, lượng tiêu thụ xi măng khá chậm

“Nửa đầu tháng 11, thị trường thép vẫn khá u ám. Với đà tiêu thụ như hiện nay, năm 2011, ngành thép sẽ tăng trưởng âm”, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) than. Hiện nay, theo ước tính của VSA, lượng thép thành phẩm tồn kho lên tới gần 400.000 tấn. Còn lượng phôi dự trữ chuẩn bị cho sản xuất là 500.000 tấn.

Không hơn ngành thép, xi măng tiêu thụ cũng khá chậm. 10 tháng qua, lượng xi măng tiêu thụ của toàn ngành mới đạt gần 40 triệu tấn. Theo ông Nguyễn Văn Điệp, Chánh văn phòng Hiệp hội Xi măng Việt Nam, dự kiến cả năm nhu cầu của thị trường nội địa cũng chỉ ở mức 49 - 50 triệu tấn, tương đương mức tiêu thụ của năm 2010.

Vì vậy, xuất khẩu là hướng đang được các doanh nghiệp trong ngành triển khai. Nhưng trong điều kiện hiện nay, việc xuất khẩu cũng không mang lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp. Phần vì, Việt Nam mới xuất khẩu mặt hàng này nên gặp nhiều khó khăn về tìm kiếm thị trường cũng như thủ tục xuất khẩu. Thêm vào đó, phương tiện vận tải, hạ tầng phục vụ xuất khẩu của Việt Nam cũng chưa đủ điều kiện đáp ứng cho việc xuất khẩu mặt hàng khá “nặng ký” này.

Theo TS. Thái Duy Sâm, Tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, việc triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ đã khiến hàng loạt các dự án đầu tư công bị cắt giảm. Thị trường bất động sản trầm lắng, cộng thêm những khó khăn của nền kinh tế khiến nhu cầu đối với các loại vật liệu xây dựng sụt giảm cũng là điều dễ hiểu.

Đã có ánh sáng cuối đường hầm?

Mới đây, ngày (14/11), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành văn bản số 8844/NHNN-CSTT yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện một số định hướng, quy định mới về tín dụng hai tháng cuối năm.

Theo văn bản này, NHNN yêu cầu các tổ chức mở tín dụng đối với một số nhu cầu cho vay vốn phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và thuộc chính sách an sinh, xã hội của Chính phủ thuộc 4 nhóm. Thứ nhất, vay vốn để sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương, tiền công của khách hàng vay. Thứ hai, xây dựng nhà để bán, cho thuê đối với người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.

Việc NHNN nới tín dụng đối với bất động sản được giới chủ đầu tư đón nhận giống như một tia sáng lóe lên rồi vụt tắt, bởi quy định khá ngặt nghèo, “chỉ áp dụng cho các dự án, công trình nhà ở sắp hoàn thiện và sẽ được bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 1/1/2012 theo nội dung hợp đồng giữa chủ đầu tư và khách hàng”.

Thứ ba, xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp nhưng không thu tiền thuê nhà hoặc thu tiền thuê với giá thuê không vượt quá mức giá cho thuê nhà ở do UBND cấp tỉnh ban hành mà chi phí xây dựng nhà ở hoặc chi phí tiền thuê nhà ở được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Thứ tư, xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở sắp hoàn thiện và sẽ được bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 1/1/2012 theo nội dung hợp đồng trong hoạt động xây dựng giữa chủ đầu tư và nhà thầu, hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng thuê tài sản.

Động thái này của NHNN không chỉ giúp gỡ khó khăn cho nhiều dự án bất động sản, mà còn được xem là cơ hội để đẩy mạnh lượng tiêu thụ đối với các loại vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Nghi cho rằng, trong tình hình lãi suất vẫn đứng ở mức cao như hiện nay, các doanh nghiệp sẽ phải rất cân nhắc khi quyết định tiếp tục đầu tư. Bên cạnh đó, thủ tục vay vốn chắc chắn không thể nhanh gọn. Do vậy, có lẽ phải chờ đến năm 2012, may ra tình hình mới có sự cải thiện.

Đó cũng là ý kiến chung của ông Thái Duy Sâm và ông Nguyễn Văn Điệp. Mặc dù các ông này đều hy vọng bất động sản được tiếp thêm “lực”, sức tiêu thụ đối với vật liệu xây dựng sẽ tăng, nhưng từ nay đến hết năm 2011, thời gian không còn nhiều và từ chính sách đến thực tiễn bao giờ cũng có độ trễ nhất định./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên