Lợi thế để tạo sức bật cho nền kinh tế ngay trong 'Tháng ăn chơi'
VOV.VN - “Tháng Giêng nếu vẫn được coi là tháng ăn chơi; hay đơn giản, nếu còn tâm lý xả hơi, nhập cuộc không quyết liệt thì sẽ rất khó đạt được hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh”.
Đây là ý kiến được TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh khi trao đổi cùng PV VOV Giao thông.
PV: Đến nay có thể coi là đã hết Tết cổ truyền, đồng thời đã qua nửa quý đầu tiên của năm 2024. Với những quan sát của mình, ông nhận định thế nào về nhịp độ của nền kinh tế nước ta trong thời gian qua?
TS Lê Quốc Phương: Số liệu thống kê thời gian qua tuy không dài, nhưng cũng cho chúng ta một cái nhìn tương đối tích cực về triển vọng phục hồi kinh tế của nước ta trong năm nay.
Thứ nhất là về chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng tháng Giêng năm 2024 tăng trên 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất nhập khẩu thì tính đến giữa tháng 2/2024, xuất khẩu hàng hóa tăng gần 22% so với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu tăng hơn 12%.
Cũng chỉ trong vòng 1,5 tháng chúng ta đã xuất siêu được trên 5 tỉ USD, số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động ở trong tháng Giêng, tăng 5,5% so với cùng kỳ. Về vốn đầu tư là một chỉ số rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước trong tháng 1 tăng gần 13% so với cùng kỳ, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đăng ký tăng trên 40% so với cùng kỳ, còn vốn FDI thực hiện tăng gần 10% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải lưu ý rằng, kinh tế nước ta vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Thứ nhất là số DN rút lui khỏi thị trường trong tháng 1/2024 vẫn tăng rất cao, tăng gần 23% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước trong tháng 1 giảm gần 3% so với cùng kỳ, tổng quan những chỉ số tích cực tương đối nhiều. Chúng ta có quyền hy vọng vào một kết quả khả quan của năm 2024.
PV: Đang trong Tháng Giêng, tháng “ăn chơi” theo quan niệm xưa. Vậy với những phân tích của ông nêu trên, theo ông việc tìm ra lợi thế để tạo sức bật cho kinh tế thời điểm này có khó không?
TS Lê Quốc Phương: Có nhiều việc chúng ta có thể tạo được lợi thế, việc đầu tiên quan trọng nhất là người lao động sớm trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết.
Nhưng để làm được điều đó thì chúng ta phải tổ chức tốt phương tiện giao thông, tàu xe và DN cũng cần phải thiết lập kỷ luật lao động. Một vấn đề nữa là hiện nay chúng ta cần phải giải quyết ba điểm nghẽn, trong đó có điểm nghẽn về hạ tầng và điểm nghẽn về thể chế, ngay từ đầu năm chúng ta phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và điều này sẽ tạo ra động lực tăng tốc phục vụ cho phát triển kinh tế.
Khi hạ tầng chúng ta được cải thiện, nền kinh tế sẽ phát triển rất mạnh. Việc thứ ba là tạo ra hạ tầng mềm cho DN hoạt động và đây cũng tạo ra lợi thế tạo nên sức bật cho nền kinh tế, tức là ngay từ đầu năm chúng ta phải tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN hiện nay vẫn còn.
PV: Ở chiều ngược lại, theo ông chính quyền, các cơ quan quản lý cần có những động thái nào để các DN và các thành phần khác trong nền kinh tế dễ dàng bắt nhịp?
TS Lê Quốc Phương: Tôi cho rằng có mấy việc mà cơ quan nhà nước ngay sau kỳ nghỉ tết phải thực hiện. Thứ nhất là để cho người lao động nhanh chóng trở lại làm việc, ngành giao thông vận tải phải bố trí được đủ phương tiện; các cơ quan thông tin phải đẩy mạnh công tác thông tin về không khí ra quân thực hiện nhiệm vụ đầu năm, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi trong lao động sản xuất ngay từ đầu năm.
Các cơ quan nhà nước còn phải thực hiện nghiêm quy định cán bộ, công chức khẩn trương xử lý công việc ngay từ đầu năm, đặc biệt là những công việc bị dồn lại sau Tết.
Rồi một điểm nữa là các cơ quan nhà nước không nên tổ chức du Xuân, ảnh hưởng đến việc giải quyết, xử lý các công việc liên quan đến DN. Đấy là những công việc mà các cấp chính quyền cũng như các cơ quan quản lý nhà nước cần phải thực hiện, để nhanh chóng hỗ trợ cho doanh nghiệp bắn nhịp vào công việc sản xuất kinh doanh ngay sau kỳ nghỉ Tết.
PV: Xin cảm ơn ông!