Lụa Khaisilk 2 nhãn mác: "Đổ lỗi cho nhân viên càng phải xử lý nặng"
VOV.VN - Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, vụ bê bối Khaisilk mà đổ lỗi cho nhân viên thì lỗi lầm càng lớn và phải bị xử lý càng nặng
Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 30/10 về vụ bê bối Khaisilk bán khăn lụa Trung Quốc, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Trung Quốc cho rằng cơ quan quản lý thị trường đã quá lỏng lẻo trong quản lý.
Ông Dương Trung Quốc cho biết ông “sốc” khi nghe tin Khaisilk bán hàng Trung Quốc nhưng lại gắn mác “made in Vietnam”, bởi bản thân ông từng có niềm tin vào một số thương hiệu, nhất là thương hiệu gắn với một số giá trị truyền thống dân tộc, trong đó có Khaisilk.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc
Theo đại biểu Dương Trung Quốc, một doanh nghiệp lớn đã dày công tạo dựng được tên tuổi trong suốt một chặng đường dài mà lại tự tay gây ra “đổ vỡ” cho mình thì thực sự đáng thất vọng. “Trước hết là đổ vỡ về uy tín khi họ đã có những việc làm hết sức thấp hèn, đó là đánh tráo, không những chỉ vấn đề tiền bạc mà đánh tráo cả giá trị,” ông Quốc tỏ ra bất bình.
Ông Dương Trung Quốc cho rằng, chuyện cửa hàng Khaisilk ở phố Hàng Gai (Hà Nội) giải thích nguyên nhân vụ việc do nhân viên cửa hàng đã tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc “made in China” sau đó khâu nhãn KhaiSilk “made in Việt Nam” để bán cho khách hàng không khác gì câu chuyện “cái gì cũng đổ cho thằng đánh máy”.
Theo ông Quốc, đây là việc không chấp nhận được, dù cho là đổ cho cấp dưới cũng không được, không tương xứng với danh hiệu, thương hiệu. Thương hiệu càng lớn thì lỗi lầm càng lớn và phải bị xử lý càng nặng. Ông chủ là người phải chịu trách nhiệm cao nhất.
Qua đây, ông Dương Trung Quốc đánh giá, công tác quản lý thị trường quá lỏng lẻo. Công tác giám sát của các cơ quan như Hội Bảo vệ người tiêu dùng cũng rất hạn chế.
Bên cạnh đó, theo ông Quốc, người tiêu dùng cũng quá cả tin, dễ dãi, dễ tính khi tiếp cận các sản phẩm “made in Vietnam”. Nếu không quản lý chặt thì việc bán hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ lừa người tiêu dùng Việt, làm mất đi tấm lòng với hàng Việt.
Tập đoàn Khaisilk thừa nhận bán khăn vừa có mác "KHAISILK - Made in Việt Nam" vừa có mác "Made in China" (Ảnh: KT) |
Trước sự việc trên, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xác minh, kiểm tra vụ việc. Ngay sau đó, đoàn kiểm tra đã tới làm việc tại cửa hàng Khaisilk tại 113 Hàng Gai (Hà Nội). Kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy có dấu hiệu gian lận thương mại, giả nguồn gốc xuất xứ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Khaisilk có những dấu hiệu cho thấy vi phạm cả pháp luật cũng như nền tảng đạo đức doanh nghiệp. Ông Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đang tiếp tục làm việc với các cơ quan liên quan, xác minh, làm rõ vụ việc của Khaisilk, trên cơ sở đó đánh giá vi phạm đến đâu, ảnh hưởng như thế nào và đặc biệt có dấu hiệu vi phạm pháp luật để xử lý phù hợp.
Về phía Khaisilk, sau khi thừa nhận bán khăn lụa Trung Quốc suốt 30 năm, thương hiệu lụa "made in Vietnam" - Khaisilk đã hứng chịu rất nhiều lời chỉ trích từ người tiêu dùng trong nước, bản thân CEO Hoàng Khải cũng hứng chịu rất nhiều "gạch đá" của từ cộng đồng mạng.
Hiện tại, Fanpage chính thức của hệ thống Khaisilk là Khaisilk Boutique được dẫn vào từ trang web Khaisilkcorp.com đã ngừng hoạt động. Các cửa hàng Khaisilk trên toàn quốc cũng tạm ngưng phục vụ khách khiến nhiều khách hàng của Khaisilk đến đổi trả sản phẩm theo lời cam kết của ông Hoàng Khải phải thất vọng ra về.
Chưa rõ bao giờ các cửa hàng của Khaisilk sẽ hoạt động trở lại và người tiêu dùng vẫn đang chờ ông chủ Khaisilk trả lại tiền cho những sản phẩm "treo đầu dê - bán thịt chó" của mình./.
Vụ bê bối của Khaisilk bị phanh phui khi một doanh nghiệp ở Hà Nội cho biết đã mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm Việt Nam của Khaisilk tại cửa hàng trên phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) để làm quà tặng cho đối tác với giá 644.000 đồng/chiếc.
Sau khi nhận hàng, khách phát hiện một chiếc khăn trong lô hàng 60 chiếc này có gắn 2 nhãn mác khác nhau: một nhãn với nội dung "Khaisilk Made in Vietnam" còn một nhãn nữa với nội dung "Made in China". Khách hàng cũng cho biết khi kiểm tra 59 chiếc khăn còn lại, phát hiệu dấu hiệu của việc cắt mác cùng màu với dòng chữ "Made in China"./.
Vụ khăn lụa Khaisilk 2 nhãn mác: Vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh
Vụ khăn lụa Trung Quốc của Khaisilk: Cần xử lý mức cao nhất
Khaisilk: Khi làm giàu gian dối, anh chỉ được gọi là con buôn