Lúng túng quản lý du khách nước ngoài thanh toán qua mạng

VOV.VN -Xuất hiện hàng loạt cửa hàng phục vụ du khách nước ngoài chấp nhận các hình thức thanh toán điện tử khi chưa được phép. 

Thời gian gần đây, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa xuất hiện hàng loạt cửa hàng phục vụ du khách nước ngoài, chủ yếu là du khách Trung Quốc, chấp nhận các hình thức thanh toán điện tử khi chưa được phép. UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ  kiến nghị có giải pháp quản lý, chống thất thu thuế.

Hình thức thanh toán này đang nở rộ nhưng lúng túng trong quản lý.

Khoảng gần 1 năm trở lại đây, nhiều cửa hàng tại khu vực đông du khách ở thành phố Nha Trang xuất hiện hàng loạt các bảng thông báo chấp nhận thanh toán qua mã phản hồi nhanh, ví điện tử như: Alipay, Wechat pay. Những bảng thông báo này được dán công khai tại những vị trí dễ nhìn thấy. Các nhân viên bán hàng cho biết đây là một hình thức thanh toán điện tử, chủ yếu phục vụ du khách Trung Quốc. Khi mua hàng, khách chỉ cần mở điện thoại di động quét mã và nhập số tiền cần thanh toán là xong.

Ông Nguyễn Thanh Quân, chủ một doanh nghiệp dịch vụ lữ hành quốc tế tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa phân tích: “ Việc này rất là dễ và đơn giản giống như mình quẹt thẻ. Ở Nha Trang tương đối nhiều, rất là tiện cho du khách Trung Quốc. Họ không cần mang theo tiền mặt khi mua sắm, dễ cho họ và trốn thuế thôi. Điện thoại Smart là làm được. Du khách thanh toán mà chủ cửa hàng không có phương thức này thì khó mua vì số tiền lớn, họ không được phép mang qua nhiều”.

Từ đầu năm đến nay, lượng khách Trung Quốc đến tỉnh Khánh Hòa tăng hơn 60%, với hơn 900 ngàn lượt. Trong số các doanh nghiệp lữ hành chuyên đón khách Trung Quốc, nhiều đơn vị khai thác các tour giá rẻ qua các chuyến bay thuê bao dẫn đến hình thành các chuỗi cửa hàng mua sắm khép kín để bù đắp chi phí. Một số đơn vị có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật Việt Nam về niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, thanh toán bằng đồng nhân dân tệ, thanh toán “chui” qua POS - máy bán hàng chấp nhận thẻ ngân hàng. Hoặc thanh toán thông qua mã phản hồi nhanh – mã QR dưới hình thức sử dụng điện thoại thông minh. Tuy nhiên, việc kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng đang gặp nhiều khó khăn. Đối với máy POS thì nhỏ gọn, dễ cất giấu và khó phân biệt đâu là máy hoạt động hợp pháp, đâu là máy hoạt động trái phép. Còn đối với các hình thức thanh toán qua mã QR thì  được thực hiện qua điện thoại di động của bên bán và bên mua nên việc kiểm tra, bắt quả tang đối với các trường hợp này rất khó khăn.

Trước sự lúng túng của các cơ quan chức năng, Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đề các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có các giải pháp quản lý hoạt động thanh toán qua POS, Alipay, Wechat pay… một cách hiệu quả, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm và chống thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.

Ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị: “Ta chưa quản lý được chất lượng, xuất xứ hàng hóa. Thanh toán ta chưa quản lý được giá, chưa quản lý được phương thức thanh toán. Máy post, quẹt mã vạch QR, khách Trung Quốc họ sử dụng phương pháp thanh toán này. Quản lý cái này thế nào? Mình đòi hỏi công khai, bây giờ họ công khai nhưng mình lấy gì để xử lý. Công cụ để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trên địa bàn còn đang lúng túng”./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phát triển kinh tế số: “Đau đầu” ở vấn đề thanh toán?
Phát triển kinh tế số: “Đau đầu” ở vấn đề thanh toán?

VOV.VN - Có nhiều nhóm vấn đề cần xử lý, trong đó nhóm thanh toán là vấn đề rất lớn, "đau đầu" nhất đang kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế số.

Phát triển kinh tế số: “Đau đầu” ở vấn đề thanh toán?

Phát triển kinh tế số: “Đau đầu” ở vấn đề thanh toán?

VOV.VN - Có nhiều nhóm vấn đề cần xử lý, trong đó nhóm thanh toán là vấn đề rất lớn, "đau đầu" nhất đang kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế số.