Lương 700 triệu đồng/tháng: Cần đo hiệu quả công việc có đáng không?
VOV.VN - Vấn đề quan trọng không phải là lương cao hay thấp mà phải đánh giá hiệu quả công việc, xem có xứng đáng phải trả lượng tiền như thế hay không.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện, tiền công/tiền lương của đối tác Nhật Bản khi ước tính ngân sách cho các dự án sử dụng vốn vay Nhật Bản trong năm tài chính 2018 là khoảng 30.000 USD/tháng/người (+/- 10%), tức là quy ra tiền Việt, mỗi người được trả gần 700 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm phụ cấp.
Cầu Nhật Tân (Hà Nội) được xây dựng từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản.(Ảnh: Kuno/JICA) |
Mức lương này đang cao hơn khoảng 20-25% so với mức lương trung bình của tư vấn nước ngoài trong các dự án sử dụng vốn vay ODA khác, thậm chí còn cao gấp đôi so với thu nhập kê khai nộp thuế bình quân của người có quốc tịch Nhật Bản làm việc tại Việt Nam năm 2016.
Nhiều ý kiến cho rằng, mức lương trung bình cho chuyên gia Nhật Bản làm việc tại các dự án sử dụng vốn vay ODA là quá cao và chiếm tỷ trọng cao quá mức cần thiết trong tổng chi phí của các khoản vay của Nhật Bản; việc giảm lương của chuyên gia Nhật Bản nên được cân nhắc, trong đó các chuyên gia Việt Nam nên được chỉ định tham gia các bước cần thiết.
Ông Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV.VN bên hành lang Quốc hội sáng 22/10/2018. |
Bình luận về vấn đề này, ông Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân – cho rằng: “Chúng ta không thể nói là lương chuyên gia Nhật quá cao hay quá thấp, mà vấn đề quan trọng là phải đánh giá xem từng chuyên gia nhận lương đó được giao nhiệm vụ gì. Và tương ứng với nhiệm vụ, công việc đó thì có xứng đáng phải trả lượng tiền như thế hay không”.
Ông Cường cũng lưu ý, nếu các chuyên gia đó đảm nhận được những vị trí hết sức trọng trách mà không thể có người thay thế thì rõ ràng người ta có quyền được hưởng mức lương cao. Tuy nhiên, "nếu chỉ vì dự án nhận nguồn vốn tài trợ của nhà tài trợ vốn mà chúng ta phải trả tiền lương và buộc lòng phải thuê các chuyên gia đó với mức lương cao trong khi chúng ta có thể thuê các chuyên gia trong nước thì việc đó là không hợp lý".
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), đơn vị đại diện cho Nhật Bản trong việc hợp tác, phát triển ODA, thì cho rằng, mức tiền lương cho tư vấn được xác định dựa trên trình độ chuyên môn và kinh nghiệm toàn cầu, do đó, nó không phải là một đơn giá cố định. Hơn nữa, trong quá trình tham vấn, JICA cũng thảo luận kỹ lưỡng với phía Việt Nam về tính phù hợp của đơn giá này với các định mức chi phí của Việt Nam.
Theo giải thích của JICA, “mức lương thực tế hàng tháng sẽ được xác định dựa trên kết quả lựa chọn nhà thầu thông qua đấu thầu cạnh tranh. Chúng tôi đưa ra các hướng dẫn về đơn giá nhằm ước tính chi phí, nhưng đơn giá này cũng không thể nằm ngoài phạm vi cho phép và phía Việt Nam cũng như JICA luôn xem xét cẩn thận đơn giá này trong thời gian thẩm định”.
JICA cũng đồng ý với ý tưởng rằng Chính phủ Việt Nam sẽ thúc đẩy sự tham gia của các chuyên gia tư vấn địa phương trong các dự án ODA ở Việt Nam./.