Lý giải đội vốn tiền khủng dự án đường sắt đô thị Hà Nội
VOV.VN - Do bổ sung một số hạng mục, xử lý nền đất yếu… và trượt giá lên đến 30% so với tổng mức đầu tư ban đầu.
Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông được đầu tư nguồn vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng mức vốn đầu tư là hơn 8.769,9 tỷ đồng tương đương 552,86 triệu USD, trong đó nguồn vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD, còn lại 133,86 triệu USD là vốn đối ứng của Việt Nam.
Theo hợp đồng EPC ký kết giữa Cục Đường sắt Việt Nam và Công ty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc vào tháng 5/2009, giá trị hợp đồng là 435,714 triệu USD (bao gồm VAT và dự phòng), thời gian thực hiện 48 tháng với điều kiện mặt bằng sạch 100% ngay từ khi bắt đầu triển khai thi công.
Thời gian thực hiên dự án 5 năm, từ tháng 11/2008 đến tháng 11/2013. Tuy nhiên tiến độ thực tế của dự án khởi công chính thức tháng 10/2011, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác thương mại 31/12/2015. Dự án cũng phải điều chỉnh tổng mức đầu tư số tiền “khủng” là 891,92 triệu USD, theo văn bản số 1178 của Bộ GT-VT gửi Thủ tướng Chính phủ. Mức tăng thêm này là 339,06 triệu USD so với tổng mức đầu tư ban đầu.
Lý giải về số tiền “khủng” điều chỉnh dự án, ông Nguyễn Mạnh Hùng- Quyền Tổng giám đốc BQL dự án Đường sắt (Bộ GT-VT) đại diện chủ đầu tư cho biết: Tổng mức đầu tư ban đầu là 552 triệu USD tương đương 8.769 tỷ đồng theo tỷ giá USD/VND lúc đó. Riêng Hợp đồng EPC trị giá 435 triệu USD là vay đối ứng. Vốn đối ứng để trả tiền VAT của Việt Nam. Theo nguyên tắc vốn ODA không cho vay tiền thuế VAT và các khoản thuế khác. Do vậy vốn đối ứng để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng và trả các phí thuế.
Cũng theo ông Hùng, việc tổng mức đầu tư tăng 891,92 triệu USD so với ban đầu là do bổ sung hạng mục xử lý đường dẫn Depot 13,5 triệu USD; đường tránh QL 6 nhà ga Yên Nghĩa (Hà Đông) trước kia dự định làm nhà tạm nay mở rộng theo quy hoạch 1,94 triệu USD; thay đổi vỏ tàu sang vỏ Inox 3,19 triệu USD và bổ sung đào tạo chuyển giao công nghệ 2,9 triệu USD; Thay đổi phương án lắp lao dầm khiến chi phí tăng lên; Chi phí GPMB tăng; Xử lý nền đất yếu thiết kế chưa tính hết; Trượt giá giữa đồng Nhân dân tệ (CNY)và USD tại thời điểm ký hợp đồng so với thời điểm này mức trượt giá khoảng 16%, cộng với mức độ trượt giá do thiểu phát ở Trung Quốc 5 năm qua cũng vào khoảng 16% khiến mức trượt giá của dự án vào khoảng 30%.
Nhà thầu EPC được chỉ định theo Hiệp định vay vốn các khoản vay ODA (vay có điều kiện) là Công ty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, ông Hùng nói.
Về lao động Trung Quốc tham gia thực hiện dự án, ông Hùng khẳng định, chỉ có quản lý là người Trung Quốc, còn lao động và nhà thầu phụ là người Việt Nam. Trong hợp đồng vay vốn quy định rõ vị trí quản lý, giám sát là đối tác Trung Quốc.
Theo ông Hùng, đến nay đã hoàn thành thi công 299/419 trụ cầu khu gian, hoàn thành kết cấu trụ cầu 7/12 nhà ga: La Thành, Đại học Quốc gia, Vành đai 3, Thanh Xuân 3, bến xe Hà Đông, Hà Đông, La Khê.
Đến nay cũng đã hoàn thành thi công lao lắp dầm đoạn khu gian ga Hà Đông- ga La Khê, khu gian ga La Khê- Văn Khê và đang lắp đặt đoạn khu ian ga Bến xe Hà Đông- ga Hà Đông.
Dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ công tác thi công xây lắp các trụ cầu khu gian vào cuối quý I/2015, hoàn thành thi công toàn bộ các nhà ga vào quý 3/2015. Đến tháng 5/2015, hoàn thành đúc và lao lắp dầm, cầu sông Nhuệ tháng 2/2015. Vào đầu quý 3/2015 hoàn thành toàn bộ thi công xây lắp Depot
Về tiến độ dự án, ông Hùng khẳng định ga Cát Linh nếu trong tháng 10 được bàn giao mặt bằng sẽ hoàn thành trong 12 tháng. Toàn bộ tiến độ dự án đều đúng kế hoạch chỉ còn một số chỗ gặp khó khăn.
Ông Hùng cho rằng để dự án đạt mục tiêu kế hoạch vào tháng 12/2015, phụ thuộc nhiều vào việc đẩy nhanh tiến độ GPMB và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật còn tồn tại bàn giao cho dự án trong tháng 9 năm nay.
Tính đến thời điểm này, dự án còn tồn tại một số khó khăn về GPMB. Cụ thể, tại quận Hà Đông, phạm vi đường dẫn ra vào Depot còn 13 ngôi mộ chưa cải táng, theo kế hoạch di dời trong tháng 9/2014. Tại quận Đống Đa, ga Cát Linh trong số 54 hộ dân Cát Linh phải di dời mới chỉ có 17 hộ nhận tiền đền GPMB nhưng chưa chuyển đi. Còn lại 37 hộ của phường này và 18 hộ ở phường Ô Chợ Dừa chưa nhận tiền GPMB; Ga La Thành 3 hộ gia đình và 5 tổ chức đang tiến hành tháo dỡ, dự kiến 10/9/2014 sẽ bàn giao mặt bằng cho Ban QLDA Đường sắt; Đoạn qua khu dân cư Thịnh Quang còn 5 hộ dân chưa nhận tiền đền bù do không đồng thuận phương án đền bù, 9 hộ đã nhận tiền nhưng chưa di dời.
Ngoài ra, vướng mắc trong việc phối hợp di dời hạ tầng kỹ thuật và chặt hạ cây xanh với các đơn vị chức năng chưa được giải quyết thỏa đáng./.