Mở đường lớn đưa Tây Nguyên tới tương lai kinh tế xanh
VOV.VN - Số lượng dự án cùng vốn đầu tư khổng lồ đang mở ra kỳ vọng giúp các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên khai thông các tiềm năng lợi thế, xây dựng thành công nền kinh tế xanh, tuần hoàn để trở thành vùng phát triển khá của cả nước.
Một trong những tin tốt đặc biệt đối với khu vực Tây Nguyên năm 2022 là Chính phủ đã phê duyệt triển khai ở đây 9 dự án giao thông trọng điểm, vốn đầu tư 156.000 tỷ đồng và tất cả đều triển khai trước năm 2030.
Cùng với dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột được Quốc hội phê duyệt từ giữa tháng 6 và dự án đường Trường sơn Đông đang tiếp tục được triển khai, Tây Nguyên có 11 dự án, vốn đầu tư gần 180.000 tỷ đồng. Số lượng dự án cùng vốn đầu tư khổng lồ đang mở ra kỳ vọng giúp các tỉnh trong khu vực khai thông các tiềm năng lợi thế, xây dựng thành công một nền kinh tế xanh, tuần hoàn để trở thành vùng phát triển khá của cả nước.
Sau gần nửa năm được phê duyệt, Dự án thành phần 3 dài gần 50 km, thuộc Dự án cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa, đã có bước tiến thực chất. Chủ đầu tư đã thống nhất với các huyện, thành phố ở tỉnh Đăk Lăk về các yếu tố giao cắt và hệ thống thoát nước, triển khai cắm mốc và bàn giao thực địa; hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường để trình thẩm định.
Theo ông Phạm Đông Thanh, Giám đốc một trong những công ty vận tải hàng hóa lớn nhất tỉnh Đăk Lăk, người dân và các DN trong tỉnh đều kỳ vọng cao tốc được xây dựng đúng tiến độ. Ông Thanh tin tưởng rằng, khi vào khai thác, công trình sẽ giúp hàng hóa được lưu thông nhanh hơn, hiệu quả kinh tế đạt được sẽ rất rõ rệt.
“Nếu có cao tốc đi Khánh Hòa, từ Buôn Ma Thuột sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa sẽ giảm từ 4 - 5 tiếng xuống còn khoảng 2 tiếng. Thời gian vận chuyển ngắn sẽ đỡ được rất nhiều chi phí cho DN, sửa chữa phương tiện ít hơn, khấu hao ít hơn. Cùng một lượng hàng hóa, DN chỉ cần đầu tư ít phương tiện hơn, vừa giảm được chi phí tài chính vừa giảm được chi phí vận hành, bao gồm bảo dưỡng, sửa chữa, tiền lương...”, ông Thanh chỉ ra.
Bên cạnh công năng lưu thông hàng hóa, theo ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk, cao tốc Buôn Ma Thuột-Khánh Hòa và đường Trường Sơn Đông nối Đăk Lăk với Lâm Đồng còn khai thông toàn bộ ách tắc bấy lâu nay, giúp huyện đột phá về cả nông nghiệp và du lịch. Ông Long tin rằng, với nền tảng là vùng căn cứ Cách mạng, các buôn làng đậm đà bản sắc văn hóa với dãy núi Chư Yang Sin hùng vĩ, thiên nhiên tráng lệ nên khi đường lớn được mở, Krông Bông sẽ phát triển mạnh lên nhờ các hoạt động du lịch.
“Với 3 nút giao ở đầu, giữa và cuối huyện, Krông Bông có thể phát huy được các tiềm năng về chuỗi du lịch cộng đồng, chuỗi du lịch mạo hiểm cũng như du lịch tịch điền, du lịch sinh thái… Chính cao tốc Buôn Ma Thuột-Khánh hòa và đường Trường Sơn Đông sẽ là lợi thế lớn để Krông Bông thực hiện được kế hoạch phát triển du lịch như Nghị quyết của Đảng bộ huyện đã đề ra”, ông Long nêu rõ.
Cũng giống như Đăk Lăk, tỉnh Lâm Đồng đang đang đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho khởi công tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc-Liên Khương, tổng vốn đầu tư hơn 28.000 tỷ đồng. Khi hoàn thành tuyến cao tốc này, Lâm Đồng sẽ được kết nối thông suốt với những trung tâm kinh tế lớn của vùng Đông Nam Bộ. Qua đó giải phóng các tiềm năng về rau, hoa quả cũng như du lịch và khoáng sản Alumin và luyện kim nhôm.
Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh đã có kế hoạch ngân sách và Chương trình hành động cho dự án trọng điểm này, đồng thời đang nỗ lực ở mức cao nhất để dự án sớm hoàn thành, hiện thực hóa khát vọng đột phá kinh tế xã hội của địa phương.
“Khi đường cao tốc đi vào hoạt động, sớm nhất vào cuối năm 2025 và muộn nhất là tháng 6/2026 sẽ định hình được tương lai phát triển của tỉnh Lâm Đồng, giúp làm thay đổi toàn diện bộ mặt của tỉnh Lâm Đồng”, ông Hiệp đánh giá.
Trong số các dự án cao tốc được triển khai ở Tây Nguyên trước năm 2030, cao tốc Plei Ku-Quy Nhơn có vốn đầu tư lớn nhất, đến 56.000 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, dự án này đặc biệt quan trọng với tỉnh nhưng sẽ gặp thách thức lớn trong huy động các nguồn vốn. Bởi vậy, cùng với nỗ lực kêu gọi đầu tư, Gia Lai cũng đang nghiên cứu, bổ sung các nút giao cắt và các khu công nghiệp dọc tuyến cao tốc, để khi được xây dựng, công trình sẽ phát huy hiệu quả tối đa.
“Trong công tác xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của Gia Lai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh bổ sung 3 khu, cụm công nghiệp dọc theo Quốc lộ 19 xuống cảng Quy Nhơn. Các nhà đầu tư cũng đã đón đầu xu hướng cao tốc sẽ đi qua, nên họ làm dự án ở Đăk Đoa, Mang Yang cũng như ở Đăk Pơ. Dọc theo tuyến quốc lộ đã có rất nhiều cụm công nghiệp được các nhà đầu tư quan tâm. Vì thế, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông để kết nối tới các vùng giúp đẩy nhanh quá trình tiêu thụ sản phẩm”, ông Quế định hướng phát triển trong tương lai.
Theo Nghị quyết 23, ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị, Tây Nguyên hiện là vùng kinh tế yếu nhất cả nước. Hơn 180.000 tỷ đồng cho các dự án lớn về giao thông sẽ tạo hạ tầng đủ mạnh để Tây Nguyên phát huy các tiềm năng về năng lượng, khoáng sản, nông nghiệp, du lịch… hướng tới một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững vào năm 2030, đưa Tây Nguyê trở thành vùng kinh tế khá của cả nước vào năm 2045./.