Mô hình Tập đoàn hiệu quả đến đâu?

Nên nhìn nhận việc xuất hiện nhiều tập đoàn theo hướng như thế nào trong bối cảnh hiện nay, dù đây mới là mô hình thí điểm?

Từ cuối năm 2009 đến nay, nhiều Tập đoàn kinh tế mới được thành lập thí điểm, như Tập đoàn Viễn thông quân đội, Tập đoàn Công nghiệp hóa chất, Tập đoàn Phát triển Nhà và đô thị, Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam. Như vậy đến thời điểm này, cả nước có khoảng trên dưới 10 tập đoàn kinh tế Nhà nước, đứng đầu các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

Tập đoàn kinh tế ra đời là cần thiết

Thực tiễn từ nhiều nước có nền kinh tế thị trường cho thấy, việc xuất hiện những tập đoàn kinh tế lớn về quy mô tài chính, nhân sự, mạnh về khả năng cạnh tranh trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế là hết sức cần thiết. Sức mạnh này được phát huy hiệu quả trong những chương trình hợp tác kinh tế lớn, cả cấp nhà nước và doanh nghiệp. Thiếu vắng những tập đoàn, doanh nghiệp lớn, sẽ không thu hút được các đối tác tiềm năng là các tập đoàn nước ngoài, xuyên quốc gia. Do đó, theo các chuyên gia kinh tế, việc hình thành tập đoàn kinh tế là cần thiết.

Song, xuất phát từ quan điểm nền kinh tế thị trường, nhiều chuyên gia nêu ra một số yếu tố cơ bản để hình thành nên một tập đoàn kinh tế. Đó là sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Doanh nghiệp có quản trị tốt, giỏi về kinh doanh, sẽ mạnh lên. Tiếp theo đó sẽ là mua bán, sáp nhập, thậm chí là thôn tính, để ngày càng mạnh lên. Đây là sự hình thành thông qua quá trình sàng lọc của cạnh tranh.

Cùng chung lập luận như vậy, chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Nam cho rằng, việc hình thành tập đoàn kinh tế không thể là sự cộng gộp của nhiều đơn vị có liên quan lại với nhau: “Ở Việt Nam hiện nay, các DN tư nhân đã bắt đầu lớn lên và cạnh tranh với DN Nhà nước. Bên cạnh đó, tình trạng cạnh tranh giữa DN nước ngoài với DN trong nước ngày càng gay gắt. Điều này khiến các DN độc quyền bị áp lực. Đáng ra, những doanh nghiệp này cần đổi mới kinh doanh, hạch toán để làm ăn hiệu quả, nhưng DN không làm thế, mà đề nghị Chính phủ thành lập Tập đoàn, ôm vào thêm các DN khác. Trước mắt, là giảm được cạnh tranh, do số đối thủ ít đi, đồng thời lại tăng được hình thức về con số cộng, lớn lên về vốn, nhân lực; tạo sự an toàn hơn”.

Nhà nước không bao bọc Tập đoàn

Trong bối cảnh một số Tập đoàn đã đi vào hoạt động được nhiều năm, theo một số chuyên gia, cần sớm có những rà soát, đánh giá hiệu quả của việc hình thành thí điểm các Tập đoàn. Nếu so sánh khi còn ở quy mô Tổng Công ty, Công ty và Tập đoàn, tỷ suất lợi nhuận, các chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh không được cải thiện, thì cũng cần có hướng giải quyết, khắc phục.

Có thể sự cộng gộp các đơn vị trong Tập đoàn giúp doanh thu tăng cao, nhưng tỷ suất lợi nhuận, sự hiệu quả của đồng vốn mới là thước đo quan trọng. Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nhà nghiên cứu của Chương trình châu Á (Trường Quản lý nhà nước Harvard Kennedy School) cho rằng, nếu đặt lợi ích kinh tế quốc gia lên trên hết, mô hình Tập đoàn phải thay đổi, đó là minh bạch. Nghĩa là, đặt hiệu quả kinh tế lên trên thì phải sử dụng đồng vốn do người dân đóng góp vào ngân sách một cách hiệu quả, sinh lời.

Còn theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, nên buộc các Tập đoàn cùng các đơn vị trực thuộc phải cổ phần hóa, thay đổi mô hình quản trị kinh doanh hướng vào tính hiệu quả, khả năng cạnh tranh và tính minh bạch: “Nhà nước phải đòi hỏi các Tập đoàn và DN chuyển sang kinh doanh thực sự, có cơ chế quản lý quản lý kinh doanh thực sự, không ưu ái, canh tranh thực sự với các thành phần kinh tế khác… Không nên cho nhờ vào bao bọc của nhà nước, để họ tự quyết định sự sống chết của mình. Anh mạnh hơn là đã được tạo ưu thế, đất đai, vốn liếng, giờ phải đi cạnh tranh với các đối tác khác. Chỉ có một cách, nhưng cũng là cơ bản nhất, đó là kinh doanh thực sự. Nếu không, không hiệu quả của DN, tập đoàn, thì kinh tế cũng không hiệu quả”.

Thực tế, chìa khóa của thành công chính là khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, cho dù đó là Tập đoàn, hay mô hình công ty. Nếu nhiều doanh nghiệp tham gia thành lập tập đoàn, nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh không được cải thiện, thì tăng trưởng kinh tế sẽ gặp vấn đề.

Không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia nêu lên vấn đề này, bởi thực tế từ nhiều báo cáo, nghiên cứu, trong đó có cả của cơ quan chức năng của Nhà nước, nêu ra vấn đề hiệu quả sử dụng vốn của khu vực Nhà nước đang thấp hơn so với các khu vực khác. Cụ thể, chỉ số đánh giá hiệu quả sử dụng vốn ICOR bình quân cả nước khoảng 8, thì của khu vực Nhà nước lên đến hơn 10.

Nếu xét đến bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế gay gắt hiện nay, việc cần những tập đoàn kinh tế là đầu tàu ở mỗi lĩnh vực là rất có ý nghĩa. Nhưng qua các ý kiến của một số chuyên gia, thì rất cần xem xét đến tính hiệu quả của mô hình này. Hình thành theo quy luật thị trường, hình thành từ sự cạnh tranh, thì sự tồn tại của một tập đoàn mới vững chắc, mới có khả năng dẫn dắt thị trường theo đúng mục tiêu mà chúng ta mong muốn. Đây là một vấn đề lớn liên quan đến điều hành vĩ mô cần các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên