Mọi doanh nghiệp đều có quyền kinh doanh xăng dầu

Doanh nghiệp có cơ sở vật chất kinh doanh xăng dầu như: cầu cảng chuyên dụng, kho tiếp nhận xăng dầu, phương tiện vận tải xăng dầu thuộc sở hữu của doanh nghiệp… đều có quyền kinh doanh xăng dầu

Để khắc phục những bất cập trong cơ chế điều hành xăng dầu thời gian qua, Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định  55/2007 về kinh doanh xăng dầu. Một trong những điểm quan trọng của dự thảo nghị định mới trình Chính phủ, là việc Nhà nước mở rộng đối tượng được quyền tham gia kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu. Thay vì, Nghị định 55 chỉ có vẻn vẹn 11 đầu mối kinh doanh xăng dầu đều là các doanh nghiệp nhà nước, quy chế mới cho phép thương nhân chỉ cần là doanh nghiệp (không bắt buộc phải là doanh nghiệp nhà nước) đều được cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu.

Cùng với việc tăng thêm nguồn cung là các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã cụ thể hoá thành 3 nguyên tắc quản lý giá, trên cơ sở đưa ra công thức tính giá. Cụ thể, liên bộ Tài chính - Công Thương cũng thống nhất đưa ra các trường hợp điều chỉnh tăng, giảm giá tương ứng với các mức biến động giá cơ sở đến 7%, từ trên 7-12% và trên 12% so với giá bán lẻ hiện hành. Quy định khoảng cách giữa 2 lần tăng, giảm giá là 20 ngày.

Bộ Công Thương cho rằng, quy định này có ưu điểm là tăng quyền và trách nhiệm cho doanh nghiệp đầu mối trong việc quyết định giá bán. Cơ quan quản lý thực hiện quyền giám sát và chỉ can thiệp khi giá biến động lớn thông qua sử dụng quỹ bình ổn giá hoặc khi giá biến động bất thường, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế-xã hội thông qua các biện pháp hành chính, tài chính, tiền tệ... theo quy định của pháp luật về bình ổn giá, giảm thiểu các tác nghiệp quản lý hành chính trong các lần điều chỉnh giá./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên