“Mỗi xã một sản phẩm” phát huy hiệu quả ở miền núi Quảng Nam
VOV.VN - Xây dựng mỗi xã một sản phẩm đã tạo động lực phát triển sản phẩm đặc trưng, thế mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa.
Thời gian qua, các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đây được coi là hướng đi đúng trong việc nâng cao thu nhập cho người dân, tạo ra những sản phẩm tốt, có thương hiệu được chứng nhận... góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững.
Gia đình anh A Lăng Nhết, ở xã Ch’Ơm, huyện Tây Giang có 1 ha diện tích trồng đẳng sâm đang cho thu hoạch. Anh Nhết kể, trước đây chủ yếu gia đình bán lẻ cho mọi người để ngâm rượu là chính. Mỗi lần bán được 200.000 – 300.000 đồng, tiêu vài hôm là hết. Nhưng từ khi tham gia sản xuất vào HTX Nông nghiệp Ch’Ơm, cây đẳng sâm của gia đình anh Nhết được Hợp tác xã bao tiêu, thu mua với giá cao, nhờ vậy anh có lời gần 60 triệu đồng. Với số tiền này, anh đã sắm được các vật dụng trong nhà như tivi, tủ lạnh và xe máy.
Đẳng sâm có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm đặc trưng giúp người dân miền núi Tây Giang phát triển kinh tế. |
Anh Nhết cho biết, khi chưa tham gia vào HTX, người dân trồng tự phát và phận ai người ấy bán. Nhưng giờ người dân biết cách chăm sóc, chăm bón và không lo về đầu ra. Những đổi thay của bản, làng hôm nay phần lớn là nhờ từ cây đẳng sâm.
“Các thành viên tham gia HTX đều nhận thấy, cách trồng sâm và chăm sóc sâm theo quy trình và đúng kỹ thuật hướng dẫn mang lại năng suất cao hơn nên thu nhập của các thành viên hợp tác xã cũng tương đối cao. Cuộc sống của bà con hiện giờ đã khá hơn rất nhiều nhờ trồng sâm”, anh Nhết nói.
Đẳng sâm là cây dược liệu sẵn có ở xã các xã A Xan, Tr’Hy, Gari, Ch’Ơm huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Song diện tích trồng bị phân tán, nhỏ lẻ và việc thâm canh chăm sóc cây trồng hạn chế, sản lượng còn thấp. Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018- 2020, huyện Tây Giang đã chọn cây đẳng sâm làm sản phẩm để xây dựng thương hiệu như rượu, trà và cao đẳng sâm. Việc phát triển trồng cây đẳng sâm đã giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu.
Anh A Lăng Lơ, Trưởng thôn Achoong, xã Ch’Ơm, huyện Tây Giang là một trong những tấm gương điển hình trong phong trào trồng cây đẳng sâm thoát nghèo. Thành công từ mô hình của mình, anh Lơ kêu gọi, vận động xây dựng các tổ liên kết, hợp tác trồng sâm ở trong làng và các vùng lân cận... để thành lập HTX Nông nghiệp Ch'Ơm.
Việc này giúp giữ rừng, mở rộng đất trồng sâm, vừa có thêm thu nhập và tạo ra sản phẩm đặc trưng của miền núi, khi hiện nay, với giá bán 1kg đẳng sâm tươi khoảng 150.000 – 200.000 đồng, sâm 2 - 4 tuổi có giá 250.000 – 300.000 đồng/kg.
Dù mới thành lập được 1 năm nay, nhưng HTX Nông nghiệp Ch'Ơm khẳng định lựa chọn đúng hướng, hoạt động rất hiệu quả. Hiện HTX đã xuất bán 7 đợt đẳng sâm và thu về hơn 200 triệu đồng, giúp nâng cao thu nhập cho 9 thành viên liên kết.
“Trong liên kết chuỗi của HTX chỉ có 32 hộ nằm trong phạm vi của thôn, sắp tới đây HTX sẽ mở rộng thêm liên kết chuỗi với bà con như với thôn khác để thu mua sản phẩm, tạo thu nhập ổn định cho bà con. Người dân nào có nhu cầu gia nhập thành viên HTX đều được sẵn sàng đón nhận và sắp tới, HTX cũng có hướng mua máy sấy khô sản phẩm”, anh A Lăng Lơ cho biết.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là một trong những chương trình được tỉnh Quảng Nam triển khai thực hiện nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống người dân, nhất là ở khu vực nông thôn miền núi. Hiện, tỉnh Quảng Nam có hơn 80 sản phẩm đặc trưng đạt 4 sao và 3 sao. Riêng huyện Tây Giang có 5 sản phẩm, trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao là cao Đẳng Sâm và trà túi lọc đẳng sâm.
Đẳng sâm là sản phẩm đặc trưng của người dân huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. |
Ông Bhling Mia, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, việc xây dựng mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn huyện đã tạo động lực giúp các xã đẩy mạnh phát triển sản phẩm đặc trưng, thế mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế, tạo động lực giảm nghèo. Huyện chú trọng phát triển 2 cây dược liệu chủ lực là ba kích và đẳng sâm. Sắp tới, địa phương có hướng bày bán 5 sản phẩm này tại trung tâm huyện để giới thiệu sản phẩm tới khách du lịch.
“Hiện nay huyện cũng đang hướng tập trung 5 sản phẩm này lại và thành lập một trung tâm OCOP tại huyện, đưa hết toàn bộ sản phẩm này trưng bày về trung tâm lớn. Huyện sẽ có cơ chế hỗ trợ từng sản phẩm, đầu tư về hạ tầng, đường kết nối các điểm vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, tới đây huyện cũng sẽ tổ chức lớp quản trị thông qua HTX, các liên kết chuỗi giá trị,…”, ông Mia khẳng định./.