Moody's: Nới lỏng tiền tệ tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế Việt Nam
Theo cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's, việc Việt Nam nới lỏng tiền tệ thêm nữa có thể tạo ra rủi ro cho nền kinh tế và lĩnh vực ngân hàng.
Dịch vụ Nhà đầu tư của Moody's (Moody’s Investors Service) cho biết: "Việt Nam cần phải cân nhắc thận trọng việc nới lỏng tiền tệ hơn nữa vì điều này có thể tạo ra rủi ro cho nền kinh tế và lĩnh vực ngân hàng”.
Trong một email ngày 26/1 trả lời các câu hỏi của Bloomberg, bà Anushka Shah, chuyên gia phân tích của Moody ở Singapore cho biết: "Khi trọng tâm của chính phủ là tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể tiếp tục theo đuổi lập trường trung lập hoặc thiên về nới lỏng tiền tệ”.
Bà Shah cho biết thêm: “Tuy nhiên, việc tiếp tục duy trì tăng trưởng tín dụng cũng có thể gây ra một số rủi ro cho ngành ngân hàng bằng cách làm suy giảm vốn đệm (capital buffers) của các ngân hàng".
Tăng trưởng tín dụng (màu đen), Lạm phát (màu đỏ). Ảnh: Bloomberg |
Tín dụng tăng trưởng 18,2% vào năm 2017 và Ngân hàng Nhà nước dự báo mức gia tăng của năm 2018 là 17%. Vào tháng 12 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nói rằng điều này có thể tạo ra nhiều rủi ro và làm suy giảm chất lượng tài sản.
Trong tháng 1, Phó Thống đốc NHNN, bà Nguyễn Thị Hồng, cho biết rằng Ngân hàng Nhà nước “sẽ quản lý tăng trưởng tín dụng một cách linh hoạt và thận trong để giúp hỗ trợ tăng trưởng của các công ty và nền kinh tế, trong khi vẫn có thể hạn chế rủi ro trong một số lĩnh vực”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay có thể đạt tốc độ tăng trưởng 6,8%, cao hơn một chút so với mức 6,7% mà chính phủ đề ra.
Chống tham nhũng
Theo Moody’s, tham nhũng vẫn là một trở ngại đối với nền kinh tế Việt Nam. Bà Shah cho biết Moody’s luôn quan tâm tới vấn đề này khi đánh giá về sức mạnh thể chế ở Việt Nam. Moody's đưa ra triển vọng tích cực đối với Việt Nam.
Bà nói: "Cải thiện quản trị và việc kiểm soát tham nhũng sẽ giúp tăng tính cạnh tranh của Việt Nam như là một nền kinh tế thị trường, và giúp duy trì sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài ngay cả khi có nhu cầu toàn cầu suy giảm”.
Bà nhận định rằng những cải cách mà Việt Nam đang thực hiện nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và tăng tính cạnh tranh là rất tích cực, lưu ý đến quá trình tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra./.
Đâu là lực cản tăng trưởng kinh tế năm 2018?