Một nông dân phát triển kinh tế từ đất đồi
VOV.VN - Chăm chỉ, cần cù, từ một hộ nông dân thuộc diện khó khăn, nay anh Tình đã vươn lên trở thành nông dân sản xuất giỏi.
Không cam chịu đói nghèo, từ diện tích đất đồi của gia đình, anh Hoàng Văn Tình, dân tộc Thái ở bản Cốc Lắc, xã Tú Nang, huyện Yên Châu đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng ngô sang phát triển kinh tế vườn rừng có hiệu quả và trở thành tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện.
Hơn 20 năm trước cũng như bao bà con trong vùng, cuộc sống của gia đình anh Hoàng Văn Tình vô cùng khó khăn. Khi lập gia đình, anh chỉ có tài sản duy nhất là căn nhà gỗ lụp xụp. Diện tích 3 ha đất đồi của cha mẹ để lại, lúc đầu gia đình anh chỉ trồng ngô nên quanh năm không đủ ăn.
Đang loay hoay chưa tìm ra hướng thoát nghèo, gia đình anh được tuyên truyền về Nghị quyết của xã nhà về phát triển kinh tế vườn rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc. Nghiên cứu tình hình thực tế của gia đình, anh thấy việc phát triển kinh tế vườn rừng là phù hợp.
Năm 2000, anh bàn với vợ chuyển gần một nửa diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng xen nhãn, vải chín sớm và một số cây khác như chuối, xoài, kết hợp với chăn nuôi dê và gà thả vườn theo phương thức lấy ngắn nuôi dài.
Những năm đầu, do chưa có kinh nghiệm nên việc chuyển đổi mô hình của gia đình anh chưa có kết quả cao. Giống nhãn địa phương trồng cho quả bé, chất lượng thấp, giá cả bấp bênh, Cho nên cuộc sống cũng chưa được cải thiện nhiều.
Đến năm 2009, được phòng nông nghiệp, trạm khuyến nông huyện hướng dẫn kỹ thuật, gia đình anh chuyển sang trồng nhãn ghép cho quả to hơn, năng xuất chất lượng tốt, giá cả ổn định hơn.
Sau hai năm ghép, vườn nhãn của anh đã cho thu hoạch vụ đầu tiên năm 2013 được trên 120 triệu đồng và năm 2014 này gia đình anh được gần 30 tấn nhãn thu về hơn 500 triệu đồng.
Cộng với các nguồn thu khác từ trồng ngô, chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng xen bầu bí, gia đình anh đã thực sự thoát nghèo, vừa có tích luỹ, vừa có vốn tái đầu tư sản xuất.
Anh Hoàng Văn Tình Chia sẻ: “Nguồn thu này không chỉ giúp gia đình xoá hẳn đói nghèo, mà cũng xây nhà khang trang, mua xắm được tiện nghi đắt tiền phục vụ sinh hoạt. Đồng thời có điều kiện cho con cái ăn học đến nơi đến chốn, cho con cháu có cuộc sống đỡ vất vả hơn và tiếp tục phát triển kinh tế gia đình sao cho khấm khá”.
Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, anh Tình còn giúp đỡ nhiều hộ trong bản, trong xã về vốn, giống, kỹ thuật sản xuất và kinh nghiệm phát triển kinh tế vườn rừng. Dù làm dịch vụ cây giống, nhưng anh thường cho bà con ứng trước để trồng có hiệu quả mới trả tiền, thậm chí sẵn sàng đến các hộ gia đình hướng dẫn bà con miễn phí cách triết ghép nhãn.
Theo anh Tình: để thành công trên đất đồi, ngoài lao động cần cù chịu khó, phải xác định đúng loại cây trồng phù hợp, đồng thời phải biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Nhiều hộ ở bản Cốc Lắc học theo cách làm kinh tế của gia đình anh Tình giờ cũng đã thoát nghèo vươn lên khá. Anh Hoàng Văn Thuận, trưởng bản Cốc Lắc cho biết: bản hiện nay là điểm sáng về phát triển kinh tế của cả xã Tú Nang, với nhiều hộ sản xuất kinh doanh giỏi, có nguồn thu nhập cao, kết quả đó có vai trò đi đầu của gia đình anh Hoàn Văn Tình: “Gia đình anh Tình ở bản Cốc Lắc đã chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng cây ăn quả, cây nhãn ốc hiệu quả, thu nhập cao hơn trước. Bởi trồng ngô đầu tư rất lớn, giá giống, phân bón cao, thu nhập thấp. Bà con trong bản, trong xã hiện tại cũng đang học nhau về trồng và phát triển cây ăn quả nhiều hơn”.
Chăm chỉ, cần cù và sáng tạo trong lao động sản xuất, từ một hộ nông dân thuộc diện khó khăn, nay anh Hoàng Văn Tình đã vươn lên trở thành nông dân sản xuất giỏi.
Anh là một trong hai gương nông dân điển hình ở xã Tú Nang được Huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La khen thưởng và tuyên dương trong Hội nghị nghị sơ kết 2 năm thực hiện phong trào sản xuất kinh doanh giỏi của huyện giai đoạn 2012-2014 vừa qua./.