Mùa rươi rời ổ: 'Lộc trời' cho nông dân
VOV.VN - Mùa rươi đến là lúc người dân An Định, xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương sẵn sàng săm, sàng, xô chậu, hối hả tháo nước bắt 'lộc trời cho'.
“Tháng Chín đôi mươi, tháng Mười mùng năm”. Thời điểm này, muôn triệu con rươi rời ổ dưới lòng đất, ngoi lên bơi múa, đỏ cả mặt đầm. Mùa rươi đến! Ấy là lúc người dân An Định, xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương sẵn sàng săm, sàng, xô chậu, hối hả tháo nước bắt rươi.
Rươi được đổ vào sàng để lọc cỏ, rác |
Lộc trời cho
Thôn An Định, những ngày trung tuần tháng 10 âm lịch - mùa rươi chính vụ. Đã 7, 8 giờ tối, trên con đường làng vẫn rầm rập ô tô, xe máy của thương lái và người mua lẻ từ khắp nơi đổ đến mua rươi. Ngoài cánh đồng rươi, ánh đèn pin rọi xuống mặt nước lấp loáng như ánh sao đêm. Tiếng cười nói rộn ràng cả một triền sông. Rươi của đất Tứ Kỳ vốn nức tiếng thơm ngon: thân mập, nhiều bột, béo ngậy, màu đỏ hồng, không tanh. Thế nên mùa rươi năm nào cũng vậy, thương lái đến tận ruộng săn đón, mua cho được con rươi tươi ngon vừa được đưa lên khỏi mặt nước, dù giá rươi có khi lên đến 600.000 đồng một kg. Chả vậy mà người dân nơi đây gọi rươi là con rồng đất - nguồn thu nhập chính của nhiều hộ ở An Định.
Mùa rươi, thôn An Định vui như vào hội. Nhà nào mở cống thu rươi là bà con chòm xóm đến hỏi han, xúm vào giúp gia chủ một tay đưa rươi lên bờ.
Nhà ông Phạm Văn Tơ - có diện tích ruộng rươi lớn nhất, nhì xã - là hộ cuối cùng mở ruộng thu rươi trong con nước tháng 10. Trước lúc mở cống hàng giờ, gia chủ, thương lái, người mua lẻ, xóm làng - dễ đến vài chục người đứng trực. Vùng nước gần cửa cống rộng chừng 4 - 5m2, ông Tơ đã cho đóng cọc, chăng lưới để chắn rác. Cạnh chỗ tôi và ông Tơ đứng là đồ nghề bắt rươi, cái cân loại lớn và hàng trăm khay xốp đựng rươi của thương lái. Chỉ vào tấm lưới hình ống quần, dài chừng 3 - 4m, ông Tơ bảo: “Đây là cái săm, được đóng vào miệng cống để hứng rươi. Săm giống lưới đánh cá nhưng mắt lưới dày, chắc và săn sợi hơn để chịu được lực nước chảy mạnh. Miệng săm được đóng khung cứng chắc chắn bằng gỗ, tre hoặc sắt để rươi không bị trôi ra ngoài. Săm phải đủ dài để khi rươi đã vào săm sẽ không thể ngoi ngược lại ruộng, đồng thời làm giảm bớt dòng chảy xiết của nước, giúp rươi không bị dập nát”.
Theo lời ông Tơ, việc thu hoạch rươi phải rất cẩn thận bởi nếu chỉ hơi mạnh tay, rươi sẽ bị dập, vỡ bụng, mất bột, mất luôn giá trị của rươi. Mở cống ở mức nào để nước chảy mạnh vừa đủ cho rươi trôi vào săm mà không làm đuôi săm bị va đập vào hai thành máng nước khiến rươi bị dập vỡ cũng là một nghệ thuật, cần người có kinh nghiệm. Và chỉ sau 3 - 4 tiếng cho nước thủy triều vào ruộng để rươi nổi lên là phải mở cống thu rươi bởi để lâu hơn, rươi sẽ bị chết.
Rươi được đổ từ săm vào thung... |
Trên mặt ruộng, rươi nổi ngày càng nhiều, gợn sóng nước lăn tăn. Khu vực quanh miệng cống, rươi bơi dày đặc. “Nhìn thì thế, nhưng sản lượng cao hay thấp thì phải chờ đến lúc con rươi “lên bờ” mới biết chắc được”, ông Tơ cho hay.
Một thương lái người Hải Phòng nhanh nhảu bắt chuyện: “Con rươi lên chẳng có giờ giấc nhất định, biết được ngày mà không biết được giờ nên chủ ruộng phải canh, chờ rươi nổi là bắt ngay. Có khi đang nửa đêm mà chủ ruộng gọi điện báo mở đầm là lập tức tay ôm hàng trăm triệu đi lấy rươi ngay, kẻo người khác nhanh chân lấy trước thì không có hàng để bán. Cũng bởi rươi ở An Định ngon hơn nên được ưa chuộng, săn đón”.
2 giờ chiều, thủy triều rút cũng là lúc ông Tơ cho mở cống. Trời chợt đổ mưa. “Thế này rươi sẽ lên nhiều đây!”, ai đó đứng gần miệng cống nói. Những con rươi đỏ hồng, béo mũm từ khắp ruộng bơi theo dòng nước đổ dồn về miệng cống, chui vào săm. Chừng 15 phút, rươi được trút vào thùng một lần. Những con rươi vừa lên khỏi mặt nước, ngúng nguẩy bò như tìm đường thoát. Đổ rươi vào chiếc sàng để sẵn trên miệng chậu, rươi cứ vậy tự “lọc” mình, bò qua mắt sàng lọt xuống chậu, trên mặt sàng chỉ còn lại rác. Đổ rươi vào bả (chiếc túi lưới mắt dày - PV), thương lái treo bả lên cho đến khi rươi róc khô nước thì mới cân. Rươi được cho vào các khay xốp, rồi đổ nước đá vào và xếp chồng lên nhau. “Nước đá lạnh sẽ giúp rươi sống lâu tới 3, 4 ngày”, một thương lái lý giải việc cho đá vào nước rồi cho hay, rươi chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, số ít đem bán tại các tỉnh, thành lớn trong nước. Cách bờ ruộng chừng 5m, ô tô, xe máy đậu sẵn, chờ chở hàng đi các nơi.
Thăng trầm con rươi
Dù năm nay rươi không được mùa, nhưng gia đình ông Tơ cũng thu được 5 tạ rươi từ 5 mẫu ruộng. Với giá 400 nghìn đồng/kg, số rươi này đã mang lại cho gia đình ông khoản tiền lớn. Ông Tơ vui vẻ: “Một cân rươi bằng cả tạ thóc. Dù giá rươi khi lên khi xuống nhưng thu nhập từ rươi lớn gấp 10 - 12 lần so với cấy lúa”.
Giá rươi lên xuống theo ngày, thậm chí theo giờ. Người dân An Định than, dù con rươi quý và hiếm, mỗi năm chỉ có vài lần thu hoạch nhưng vẫn bị thương lái ép giá. “Bây giờ, dân làng bảo nhau mỗi hộ lấy rươi vào một ngày để tránh bị dồn rươi làm hạ giá rươi. Những nhà chỉ thu được vài chục cân rươi sẽ bán lẻ để được giá hơn”, chị Phạm Thị Vân, con gái ông Tơ cho biết.
Anh Hà Huy Liệt ở thôn An Định buồn bã: “Một vài năm gần đây, rươi ở Tiên Lãng, Hải Phòng có nhiều hơn nên thương lái càng ép giá rươi Tứ Kỳ. Đã vậy, một số thương lái trộn rươi nơi khác vào rươi Tứ Kỳ để bán với giá cao, làm ảnh hưởng đến tiếng tăm của rươi quê tôi”.
Thôn An Định có khoảng 400 hộ, nhưng chỉ trên dưới 150 hộ có ruộng rươi. Rươi đã mang lại hàng chục đến hàng trăm triệu đồng cho mỗi hộ dân một năm. Không gây giống hay nuôi được, con rươi chỉ xuất hiện tự nhiên và rộ lên trong vài con nước của tháng 9, tháng 10 âm lịch. Việc rươi từ đâu đến, ăn gì... không ai hay biết. Vì thế, người dân chỉ biết bảo nhau tạo môi trường sống tốt hơn cho rươi. Anh Hà Hữu Liệt cho biết: “Con rươi chỉ sống trong môi trường sạch. Nếu môi trường ô nhiễm, rươi sẽ chết và những năm sau không xuất hiện nữa. Vì thế, chúng tôi chỉ cấy 1 vụ lúa và xác định trồng trọt thuận theo tự nhiên. Cây lúa cho thu hoạch thì tốt, nếu lúa hỏng hay bị sâu bệnh thì dập đi làm phân bón ruộng chứ không phun thuốc sâu, thuốc trừ cỏ hay bón phân hóa học để rươi còn ở lại”. Mỗi năm hai lần, người An Định làm cỏ, cày bừa, bón ruộng bằng trấu, phân gà, phân lợn đã ủ nửa năm để đất tơi xốp, tạo điều kiện cho rươi sinh sôi, nảy nở.
Vợ chồng chị Phạm Thị Vân đang đợi giờ mở cống |
Dẫn tôi đi tham quan 5 mẫu ruộng rươi, ao cá, chuồng trại, ông Tơ kể: Trước đây, khu ruộng rươi này là đất công điền của xã, vùng xả lũ của Trung ương. Hàng trăm năm trước, rươi đã có ở vùng này. Khi đó, người dân cứ thấy rươi nổi lên ở đâu thì đến đó vớt. Từ năm 2007 trở về trước khoảng 40 năm, đột nhiên không thấy rươi nữa. Người dân đã đấu thầu ruộng, đào ao nuôi cá và trồng cây ăn quả. Sau một thời gian không dùng thuốc trừ sâu, trừ cỏ và phân hóa chất nữa, con rươi xuất hiện trở lại vào những năm 2008, 2009. Bà con hăng hái san lấp ao thành ruộng rươi, rồi tự mua bán, dồn ô đổi thửa để ruộng rộng hơn, tiện chăm bón, xây hệ thống cống, ngòi dẫn thủy triều vào ruộng và thu hoạch rươi. Anh Hà Huy Liệt cho hay: “Khi giá rươi còn thấp, nhiều nhà đã bán ruộng với giá 20 triệu đồng/sào. Bây giờ không ai bán nữa, dù giá lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi sào”.
“Con rươi “cho” người làng tiền, lại cho cả sức khỏe bởi nhờ chúng mà người dân An Thanh có ý thức gìn giữ môi trường, không khí trong lành. Thế nhưng, họ vẫn canh cánh nỗi lo nước sông Thái Bình bị ô nhiễm sẽ khiến con rươi bị mất đi và nạn khai thác cát trái phép sẽ làm cánh đồng rươi bị lở đất”, ông Phạm Văn Tơ chia sẻ.
Chạng vạng tối, trên cánh đồng rươi, người dân An Định vẫn miệt mài với con “rồng đất” của làng. Xem cách bắt rươi – “Lộc trời” cho người dân thu nhập tiền tỷ