Mức lương khủng: “Trá hình bóc lột người lao động”
VOV.VN -DN sử dụng lao động thời vụ để làm các công việc nặng nhọc, độc hại là hình thức trá hình để bóc lột người lao động.
Trao đổi với VOV online về bản chất mức lương “khủng” mà lãnh đạo 4 doanh nghiệp công ích ở TP HCM hưởng, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Việc các DN này sử dụng lao động thời vụ để làm các công việc độc hại, nguy hiểm là hình thức trá hình để bóc lột người lao động”.
PV: Ông có bình luận gì về mức lương lên đến hàng tỷ đồng của một số DN công ích trên địa bàn TP HCM?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Theo qui định của Bộ luật Lao động, thì có 3 hình thức hợp đồng lao động: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn (dài hạn); Hợp đồng xác định được thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng và lao động thời vụ. Các DN này đã sử dụng rất nhiều lao động thời vụ. Tại sao lại vậy? Chính là để bóc lột sức lao động. Người ta làm hết 3 tháng thì chấm dứt và ký tiếp, để họ không được tham gia bảo hiểm xã hội, DN không phải đóng BHXH, BHYT (phần của DN). Nhưng khi trả lương cho người lao động, chưa chắc họ đã trả phần tiền để họ tham gia BHXH hoặc BHYT.
Chúng ta thấy hình ảnh những người công nhân chui xuống cống, lương tháng 7 triệu thì thấy rất cao. Nhưng thực chất đây là lao động rất đặc biệt mà tiền lương như vậy không thể bù đắp được mức độ độc hại, nguy hiểm. Nhưng DN chỉ sử dụng lao động thời vụ thì đây là hình thức trá hình để bóc lột người lao động.
Ở đây cũng phải thấy một điều là người lao động có vấn đề về hiểu biết pháp luật. Có thể họ chưa hiểu biết hết qui định trong pháp luật. Hoặc do khó khăn về việc làm, do thất nghiệp mà họ phải chịu đựng, làm những công việc mà có thể họ không muốn làm, và có những lúc họ nghĩ rằng phải làm công việc này bằng mọi giá vì miếng cơm, manh áo.
PV: Với tư cách là đại biểu Quốc hội, ông nghĩ sao về chuyện thu nhập của lãnh đạo và công nhân ở các đơn vị này?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Là đại biểu Quốc hội hay bất kỳ ai trên đất nước này, ai cũng muốn người lao động có thu nhập tốt nhất, cao nhất. Nhưng thu nhập đó phải đảm bảo tính hợp lý, đảm bảo nguyên tắc và phải theo qui định của pháp luật. Ở đây, có sự đột biến về tình trạng lương. Thu nhập này không phải là đại diện của tất cả các loại doanh nghiệp nhà nước hoặc đơn vị công lập.
PV: Việc chi trả lương như vậy nói lên điều gì, thưa ông?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Lương quá lớn như vậy thì lại không đúng với chính sách cơ chế tiền lương ban hành hiện nay trong hệ thống các DNNN hoặc các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Điều này thể hiện tiền lương đó không phản ánh đúng cơ cấu tiền lương trong giá thành sản phẩm. Một sản phẩm sản xuất ra tiền lương thường chiếm một tỷ trọng nhất định, không thể vượt đến mức quá cao để ông Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT… hưởng tới gần 200 triệu đồng/tháng.
Thứ hai, chênh lệch tiền lương giữa người đứng đầu và người lao động gấp mấy chục lần cũng phản ánh một sự bất hợp lý. Tiền lương chính là giá cả sức lao động, thể hiện sự cống hiến, số lượng, chất lượng công việc của người lao động trong quá trình sản xuất kinh doanh. Điều này có nghĩa, người đứng đầu và người công nhân cuối cùng trong doanh nghiệp có cao bao nhiêu chăng nữa thì sự chênh lệch quá lớn như vậy là không đúng. Trong Bộ luật Lao động, Điều 90 qui định rõ điều này. Tiền lương không được thấp hơn mức tối thiểu theo qui định của luật nhưng không thể đến mức khủng như vậy. Trong qui định tiền lương của Nhà nước đối với các DNNN và đơn vị sự nghiệp công thì tiền lương của Chủ tịch HĐQT không quá 36 triệu đồng/tháng, nếu có thưởng cũng không quá 50 triệu đồng/tháng. Nếu như vậy thì đây là thu nhập có yếu tố không phải tiền lương thì mới cao đến thế.
Nếu là tiền lương mà anh trấn lột, điều tiết giữa người lao động để làm thu nhập cho mình thì anh phải trả lại cho người lao động. Còn nếu anh lấy bằng các hình thức không phải tiền lương mà thu nhập thông qua các chi phí vật chất hoặc giá trị của sản phẩm hoặc qua con đường nào đó để có số tiền này thì đó là tham nhũng.
PV: Chuyện về thu nhập khủng của lãnh đạo DNNN đã đặt ra từ lâu, trong khi các DN này lại thua lỗ. Vậy có nghĩa là kết quả lao động của những người này đã không xứng đáng mức lương như vậy, thưa ông?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Nếu tiền lương tăng lên do năng suất lao động thì đó là việc đáng khích lệ. Nhưng cũng không có nghĩa là năng suất lao động tăng quá giới hạn của chi phí sức lao động.
Trước đây, khi nghiên cứu, nghe một số hiện tượng ở một số DNNN dù sản xuất lỗ nhưng tiền lương vẫn đảm bảo hoặc thậm chí là cao thì đây là một lỗ hổng. Tiền lương bao giờ cũng gắn liền với hiệu quả sản xuất kinh doanh. Bao giờ trong các DNNN và các đơn vị hưởng lương từ NSNN thì bao giờ cũng trả lương 80%, còn lại 20% sẽ được phân phối vào cuối năm để quản lý cơ chế tiền lương. Đã nói đến tiền lương phải gắn với hiệu quả. Hiệu quả không có mà tiền lương cao thì lấy đâu ra? Chỉ có cách là “ăn” vào vốn của Nhà nước.
Nhà nước phải sớm tăng cường công tác kiểm tra giám sát để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tiền lương phải gắn liền với hiệu quả sản xuất kinh doanh. Có thể không nhất thiết phải khống chế cái tối đa mức lương nhưng phải hợp lý.
PV: Vậy để xảy ra tình trạng này, theo ông cần phải xem xét lại vấn đề gì?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Thứ nhất, xem lại cách thức quản lý và cơ chế chi trả tiền lương của các đơn vị này có vấn đề. Có thể là tham nhũng, hạch toán không đúng tiền lương, lấy từ các chi phí vật chất sang để chi trả lương. Hai là, bóc lột người lao động.
Thứ hai, quá trình quản lý của các đơn vị này cũng không sát sao, dẫn đến tình trạng làm tùy tiện mà rất nhiều năm không phát hiện ra. Đây là lỗ hổng trong quản lý phải xem xét. Các cơ quan chức năng phải xem xét lại cả hệ thống thang lương, bảng lương, định mức lao động, đơn giá tiền lương. Tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công đều có các cơ quan quản lý nhà nước xét duyệt đơn giá tiền lương. Thế mà chúng ta để xảy ra chuyện này là một đáng tiếc. Đây là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước do công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát không tốt.
PV: Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII sắp diễn ra, ông sẽ chất vấn về này?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Tôi không để đến kỳ họp thứ 6 mà sắp tới trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội, tôi sẽ đề nghị Bộ LĐ-TB-XH làm rõ vấn đề này. Hiện nay, Bộ đã có công văn chỉ đạo UBND TPHCM và Sở LĐ TP kiểm tra và đã phát hiện không phải chỉ có 4 DN này mà còn một số DN cũng có hiện tượng này. Trách nhiệm đó, thuộc cơ quan quản lý địa phương nhưng cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để người ta đi đúng theo quỹ đạo, làm đúng theo pháp luật.
Cơ quan tài chính phê duyệt đơn giá tiền lương (tỷ trọng tiền lương trong giá thành sản phẩm hoặc trong tổng chi phí dịch vụ công đó là bao nhiêu) thì Bộ Tài chính phải xem xét, đánh giá và phải phê duyệt cho họ. Việc này, các cơ quan tài chính từ Trung ương đến địa phương cũng phải rà soát lại.
PV: Xin cảm ơn ông!