Mục tiêu 5.000 doanh nghiệp KHCN vào cuối năm nay liệu có thất bại?
VOV.VN - Chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2011-2020 còn nhiều khó khăn và mục tiêu 5.000 doanh nghiệp KHCN cuối năm nay sẽ khó đạt được.
Chiến lược phát triển khoa học công nghệ (KHCN) giai đoạn 2011-2020 đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2020 Việt Nam sẽ có 5.000 doanh nghiệp KHCN. Tuy nhiên, mục tiêu này có vẻ sẽ khó đạt được, khi con số doanh nghiệp KHCN ở thời điểm hiện tại mới chỉ hơn 500.
Một thực trạng là nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện là doanh nghiệp KHCN, nhưng lại không đăng ký để trở thành doanh nghiệp dạng này. Vậy lý do vì sao doanh nghiệp không “mặn mà” đăng ký thành doanh nghiệp KHCN để được hưởng những ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng?
Công ty Cổ phần Nông nghiệp Tiến Nông- một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa được công nhận là doanh nghiệp KHCN. Ông Nguyễn Hồng Phong- Tổng giám đốc công ty cho biết, ngay từ khi mới thành lập- năm 1995, doanh nghiệp đã xác định lấy KHCN làm nền tảng cho phát triển, thể hiện qua việc thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D với những trang thiết bị hiện đại, đội ngũ nhân lực trình độ cao.
Mục tiêu 5.000 doanh nghiệp KHCN vào cuối năm nay liệu có thất bại? |
Thông qua trung tâm nghiên cứu và phát triển, công ty đã triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu có tính ứng dụng thực tiễn cao, nhiều sản phẩm dinh dưỡng cây trồng của Tiến Nông đã được triển khai trong thực tế sản xuất, không chỉ đem về doanh thu cho doanh nghiệp mà còn giúp người nông dân có những vụ mùa bội thu.
“Ngay từ khi thành lập 1995 chúng tôi đã xác định lấy KHCN làm nền tảng vững chắc để chúng tôi phát triển như ngày hôm nay. Nếu như trước đây chúng tôi chỉ có 30 lao động, thì nay đã là 600 lao động, doanh thu lên đến 1.000 tỷ đồng. Thành công này của doanh nghiệp là nhờ KHCN, nếu như doanh nghiệp không chú trọng đến KHCN thì sẽ phát triển không bền vững” - ông Phong cho biết.
Mặc dù thế, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, chặng đường “theo đuổi” mô hình doanh nghiệp KHCN của Tiến Nông cũng không hề dễ dàng. Xuất phát điểm thấp, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên quá trình phát triển gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, mặc dù trên thực tế các doanh nghiệp KHCN như Tiến Nông sẽ được nhận nhiều ưu đãi và hỗ trợ từ phía Nhà nước như ưu đãi về thuế, đất đai, ưu đãi về tín dụng… nhưng những ưu đãi này có đến được với doanh nghiệp hay không lại là một chuyện khác.
Ông Lưu Hải Minh- Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần công nghệ mới Nhật Hải, một trong những doanh nghiệp được chứng nhận là doanh nghiệp KHCN nêu thực tế: “Giao quyền sử dụng 1 đề tài nghiên cứu KHCN của Nhà nước cũng như giao quyền sử dụng đất, đều là giao quyền sử dụng. Giao quyền sử dụng đất người ta có thể đem đi thế chấp, thế tại sao Nhà nước giao quyền sử dụng kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp rồi thì lại không thể đem đi thế chấp… phải có một hình thức bảo lãnh hoặc tín chấp để doanh nghiệp đầu tư sản xuất ra một sản phẩm mới”.
Chiến lược phát triển KHCN Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đặt mục tiêu đến cuối năm 2020 Việt Nam sẽ có 5.000 doanh nghiệp KHCN. Nhằm bảo đảm tính khả thi của mục tiêu đề ra, Bộ Khoa học và công nghệ đã và đang đẩy mạnh hoạt động xây dựng hoàn thiện thể chế chính sách, trong đó bám sát các kế hoạch sửa đổi một số Luật: Đầu tư, Doanh nghiệp, Thuế thu nhập doanh nghiệp… và các văn bản hướng dẫn để bổ sung các quy định về hỗ trợ ươm tạo, hình thành và phát triển doanh nghiệp KHCN.
Hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về KHCN và Đổi mới sáng tạo, gồm: Luật KH&CN, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn thi hành… được đồng bộ hóa để bảo đảm các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian; cơ chế giao quyền sở hữu/quyền sử dụng kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước…
Dù nhiều cơ chế như vậy, nhưng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng thừa nhận, cơ chế, chính sách vẫn là rào cản quá trình thực hiện Chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2011-2020. Nhiều khó khăn tồn tại và mục tiêu 5.000 doanh nghiệp KHCN vào cuối năm nay về con số thực tế sẽ khó đạt được.
Ông Phạm Đức Nghiệm- Phó cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: “Số lượng doanh nghiệp quan tâm đến KHCN chưa nhiều… các chương trình triển khai cũng có nhiều hạn chế, cơ chế tài chính cho hoạt động giải ngân cũng có nhiều hạn chế… Do đó, thời gian vừa qua Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã có nhiều thay đổi về cơ chế đầu tư, tài chính… để thông thoáng hơn cho doanh nghiệp nhưng vẫn còn thách thức cần phải tiếp tục thay đổi”.
Như vậy vì nhiều lý do, đến nay cả nước mới chỉ có khoảng hơn… 500 doanh nghiệp KHCN, chỉ đạt được hơn 10% mục tiêu đã đề ra. Việc không đạt được mục tiêu đã đề ra- trách nhiệm thuộc về ai? Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng thẳng thắn thừa nhận, trách nhiệm trước tiên thuộc về Bộ Khoa học và Công nghệ, công tác truyền thông để doanh nghiệp hiểu và đăng ký vẫn còn hạn chế.
“Trách nhiệm thì trước tiên xin nhận trách nhiệm về công tác truyền thông KHCN… Chưa phối hợp được với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền tốt và rộng rãi hơn nữa về cách thức để nộp hồ sơ là doanh nghiệp KHCN, các ưu đãi về KHCN…” - Thứ trưởng Duy cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, số lượng doanh nghiệp KHCN nhiều nhưng chưa xin đăng ký cấp. Nguyên nhân có thể là do doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi ở các ngành khác. Chẳng hạn như doanh nghiệp nằm trong khu công nghệ cao; doanh nghiệp công nghệ thông tin; doanh nghiệp có dự án đầu tư mới; doanh nghiệp sản xuất ở địa bàn khó khăn… Trong khi đó, ưu đãi khi đăng ký cấp là doanh nghiệp KHCN thì tương đương hoặc hơn không quá nhiều.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho biết, qua các thống kê và đánh giá tiềm năng thì số liệu doanh nghiệp KHCN chắc chắn là hơn 5.000, thậm chí còn hơn rất nhiều nhưng họ có đăng ký hay không. Và thu hút doanh nghiệp đăng ký thành doanh nghiệp KHCN, Bộ đã kiến nghị và đưa ra nhiều giải pháp, trong đó phải kể tới Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp KHCN có hiệu lực từ ngày 20/3/2019 với ưu đãi tốt hơn, cơ chế cũng thông thoáng hơn./.