Muốn sản xuất lớn phải tích tụ đất đai
VOV.VN - Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với nhiều quy định mới, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai nông nghiệp. Trong đó, quy định cụ thể về nguyên tắc và phương pháp tích tụ, tập trung đất nông nghiệp.
Góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), nhiều người dân cho rằng quy định như vậy sẽ góp phần điều chỉnh đất đai theo cơ chế thị trường. Từ thực tế những bất cập hiện tại, người dân kỳ vọng lần sửa đổi này đáp ứng yêu cầu của các thành phần kinh tế, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tập trung, hiệu quả.
Thôn Song Hoành là 1 trong các thôn của xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đến nay chưa thực hiện việc tích tụ, tập trung đất đai. Ông Ngô Văn Ngụ, Bí thư Chi bộ thôn Song Hoành cho biết, việc thực hiện giao đất nông nghiệp bình quân theo nhân khẩu nông thôn (có tốt, có xấu, có gần, có xa) khiến tình trạng ruộng đất manh mún lâu dài.
Tuy việc ruộng đất nhỏ lẻ, chia cắt từng bước khắc phục qua “dồn điển, đổi thửa”, xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” nhưng đến nay, tình trạng phân tán, manh mún vẫn phổ biến. Bởi vậy, góp ý vào dự án Luật đất đai (sửa đổi) về nội dung này, ông Ngô Văn Ngụ cho rằng: quan trọng việc tích tụ ruộng đất là vừa đảm bảo để đáp ứng nền nông nghiệp hiện đại nhưng phải phù hợp với lòng dân.
“Đặc thù thôn Song Hoành ruộng không bằng phẳng, có những vùng cao, vùng lại quá thấp, loại đất lại không đồng đều. Do vậy, chuyển đổi, dồn ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn là cả vấn đề bàn rất kỹ. Bởi vì liên quan đến đời sống người dân, không thể làm vội vàng, không thể làm nhanh. Quan trọng linh hồn việc chuyển đổi ruộng đất là vừa hiệu quả đáp ứng nền nông nghiệp hiện đại mà vừa phù hợp với lòng dân” - ông Ngô Văn Ngụ nói.
Đến nay xã Lưu Vĩnh Sơn có 4/19 thôn thực hiện tập trung đất nông nghiệp, điều này rất thuận lợi cho cơ giới hóa và người dân cũng rất phấn khởi khi được canh tác trên mảnh ruộng rộng, có nơi trên 1 ha.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Mậu Dương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Lưu Vĩnh Sơn cho rằng, những quy định của Luật Đất đai về điều kiện chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp trong một số trường hợp như chuyển nhượng, cho thuê còn khắt khe. Kinh phí cho công tác đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính còn hạn chế.
Ông Nguyễn Mậu Dương đề nghị Luật đất đai (sửa đổi) cần quy định người dân sau khi chuyển đổi, được giao đất ổn định lâu dài: “Tích tụ ruộng đất, chuyển đổi ô thửa nhỏ sang ô thửa lớn thì đề nghị cần tạo điều kiện. Thứ nhất là cấp bìa đỏ lại cho họ. Bởi vì tránh tình trạng trước có tình trạng 500 m2 nhưng 3-4 thửa. Bây giờ 1 thửa. Sau khi chuyển đổi, hiện đại hóa, các đường ở nội đồng bê tông hóa. Đề nghị thứ nhất giao ổn định lâu dài và được cấp sổ đỏ để ổn định lâu dài”.
Qua thực tiễn hoạt động của nhiều mô hình cánh đồng lớn ở các tỉnh, thành cho thấy, nhờ việc tập trung đất đai sản xuất theo quy trình đã giúp doanh nghiệp, nông dân tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập do tăng năng suất, khắc phục khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ, đặc biệt là áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật trên quy mô lớn như quy trình Việt GAP, thúc đẩy cơ giới hóa và giảm thiểu ô nhiễm trong nông nghiệp.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đề nghị: “Chúng ta muốn nâng cao năng suất nông nghiệp không thể manh mún được, phải có cánh đồng mẫu lớn. Chúng ta thấy miền Nam máy gặt, máy cấy đều chạy được. Cánh đồng mẫu lớn khá phổ biến, nhưng miền Bắc thì manh mún. Làm sao miền Bắc cũng như miền Nam phải có những cánh đồng mẫu lớn thì năng suất mới lên được. Phun thuốc trừ sâu mà đeo bình thuốc đi phun, gió bay cả vào mặt”.
Rõ ràng, việc "tích tụ" hay "tập trung" đất đai đã cho hiệu quả là khá rõ, Tuy nhiên, việc thực hiện tập trung đất đai bằng hợp đồng pháp lý kiểu doanh nghiệp thuê nhiều thửa đất liền kề hoặc nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất... tiềm ẩn nhiều khó khăn, thậm chí rủi ro. Bởi tâm lý “giữ ruộng” của người nông dân để phòng ngừa rủi ro, bất trắc, kể cả khi sản xuất không hiệu quả hoặc khi đã di cư khỏi nông thôn đến thành thị.
PGS.TS Vũ Hào Quang, nguyên Phó Viện trưởng Viện dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh đến nguy cơ phá vỡ hợp đồng từ phía nông dân là rất lớn - nếu bà con cảm thấy không có lợi.
“Nếu như muốn sản xuất lớn phải tích tụ đất đai, thế nhưng tâm lý của người dân không muốn. Người nông dân, người không sử dụng đất đai một cách hiệu quả (bây giờ sản xuất lúa bị lỗ, nhưng người ta vẫn giữ). Cho nên, việc tích tụ ruộng đất cản trở là do ý thức người dân, người ta chưa nhận thức được giá trị của mảnh đất. Những mảnh đất đó cần phải được tập hợp lại và cần phải có những người chủ mới, có tầm quản lý đất đai cũng như sản xuất kinh doanh trên mảnh đất đó” - PGS.TS Vũ Hào Quang nói.
Tích tụ, tập trung đất nông nghiệp đòi hỏi gắn chuyển dịch cơ cấu đất đai với chuyển đổi cơ cấu lao động khu vực nông thôn, nông nghiệp theo hướng công nghiệp, dịch vụ; đồng thời, huy động nguồn lực xã hội tăng nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, đặc biệt ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiệu quả.
Đây là những vấn đề trọng yếu đặt ra để khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua nhanh chóng thực thi trong cuộc sống./.