Mỹ và EU đạt thỏa thuận về xung đột giữa Airbus và Boeing
VOV.VN - Mỹ và EU tìm được giải pháp cho xung đột lợi ích giữa 2 tập đoàn hàng không lớn nhất thế giới là Boeing và Airbus.
Ngày 15/6, lãnh đạo Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu đã có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Bruxelles, Bỉ. Hai bên đã đạt được một số bước tiến trong quan hệ song phương, đặc biệt là tìm được giải pháp cho xung đột lợi ích giữa 2 tập đoàn hàng không lớn nhất thế giới là Boeing và Airbus.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, và Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Charles Michel, đã đón tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông này trên cương vị Tổng thống Mỹ. Tại cuộc gặp thượng đỉnh này, hai bên đã bàn thảo nhiều vấn đề liên quan quan hệ giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đặc biệt là xung quanh những căng thẳng thương mại giữa hai bên trong những năm qua, hay cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Kết thúc cuộc gặp, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen xác nhận hai bên đã đạt được thỏa thuận quan trọng hướng tới chấm dứt 17 năm xung đột lợi ích giữa 2 tập đoàn hàng không hàng đầu thế giới là Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu. Theo đó, EU và Mỹ thống nhất tiếp tục tạm dừng việc áp thuế trừng phạt lẫn nhau trong khuôn khổ cuộc xung đột giữa hai tập đoàn này trong vòng 5 năm tới.
Xung đột lợi ích giữa 2 tập đoàn này bắt đầu từ năm 2004 liên quan tới các trợ cấp mà Chính phủ Mỹ dành cho tập đoàn Boeing cũng như trợ cấp từ phía châu Âu dành cho Airbus. Mỗi bên đã áp những mức thuế trừng phạt rất cao đối với tập đoàn hàng không của đối phương. Hồi tháng 3, hai bên đã đạt được thỏa thuận tạm hoãn việc áp thuế trừng phạt này trong vòng 5 tháng, dự kiến kết thúc trong tháng 7 tới.
Tuy nhiên, sau cuộc gặp thượng đỉnh, Mỹ và châu Âu vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng trong quan hệ thương mại, đặc biệt là những mâu thuẫn liên quan tới hai mặt hàng thép và nhôm khi Mỹ áp thuế nhập khẩu cao với 2 mặt hàng này từ nhiều quốc gia, trong đó có các nước thuộc EU.
Bên cạnh đó, Mỹ và EU chưa tìm được tiếng nói chung liên quan việc EU áp thuế đối với các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ (thường gọi là thuế GAFA). Trong bối cảnh này, Mỹ và EU đã quyết định thành lập một hội đồng về thương mại và công nghệ nhằm tăng cường trao đổi, xây dựng những tiêu chuẩn chung giữa hai bên./.