Năm 2008: Triển khai 122/124 cuộc kiểm toán

Kiểm toán tại EVN, KTNN đã phát hiện khoản chênh lệch từ giá bán điện năm 2007 là 3.402 tỷ đồng, chứ không phải là là 2.763 tỷ đồng như EVN đã giải trình

Sáng nay (25/11), tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức họp báo công khai kết quả kiểm toán một số cuộc kiểm toán năm 2008.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ, đến 20/11/2008, KTNN đã triển khai 122/124 cuộc kiểm toán, đã kết thúc 90 cuộc và đã phát hành 71 báo cáo kiểm toán. Theo số liệu thống kê từ 71 báo cáo, KTNN đã kiến nghị tăng thu NSNN và tăng thu khác, giảm chi NSNN, đưa vào quản lý qua ngân sách là 5.020 tỷ đồng.

Lãi từ giá bán điện năm 2007 là 3.402 tỷ đồng

Trong phần công khai kết quả kiểm toán của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), ông Vương Đình Huệ cho biết, tổng tài sản của ENV tính đến tháng 12/2007 là 185.180 tỷ đồng, doanh thu năm 2007 là 58.203 tỷ đồng, tăng 29,57% so với năm 2006 (58.203/44.920 tỷ đồng). Khả năng thanh toán nợ của EVN cơ bản đảm bảo, khả năng thanh toán hiện hành, khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, khả năng tài chính của EVN tại thời điểm 31/12/2007 cơ bản là bảo đảm, lành mạnh.

Cũng theo kết quả kiểm toán, tổn thất điện năng năm 2007 của EVN là 6.905.833.774 kWh, tỷ lệ tổn thất là 10,56%, vượt 0,06% so với kế hoạch EVN đề ra (10,50%). Tổn thất này không vượt quá tổn thất tại đề án “Giảm tổn thất điện năng giai đoạn 2004-2010” của Bộ Công nghiệp (cũ), nhưng nếu xét chỉ tiêu hạ mức tổn thất chung đến năm 2010 còn 8% theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì mục tiêu này khó thực hiện. Ông Vương Đình Huệ cho rằng, nếu đến năm 2010, giảm tổn thất điện năng xuống còn 8% như mục tiêu thì sẽ tiết kiệm được 1.439 tỷ đồng.

Ông Vương Đình Huệ cũng cho rằng, một trong những thành công trong đợt kiểm toán tại EVN là KTNN đã xác định khoản chênh lệch từ giá bán điện năm 2007 là 3.402 tỷ đồng, chứ không phải là 2.763 tỷ đồng như trong Công văn EVN đã giải trình với Bộ Công thương và Bộ Tài chính về việc trích thưởng 1.002 tỷ đồng để thưởng cho cán bộ công nhân viên trong ngành.

Dựa trên kết quả kiểm toán, KTTN đã kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh giá bán điện theo nguyên tắc bù đắp được chi phí sản xuất, có mức lãi phù hợp, không bao cấp tràn lan, không bù chéo, đồng thời đảm bảo nguyên tắc Nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho đối tượng sử dụng điện là người nghèo, người có thu nhập thấp và các hộ sinh sống ở nông thôn. Việc điều chỉnh giá phải gắn với lộ trình cụ thể nhằm từng bước thực hiện chủ trương xoá bao cấp giá điện đối với hộ sản xuất nói chung, cũng như dần xoá bỏ tình trạng Nhà nước phải hỗ trợ qua bù chéo giá nhiên liệu.

Vẫn còn nhiều sai phạm trong mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản

Tại buổi họp báo, KTNN cũng công khai kết quả kiểm toán về việc mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản năm 2008 của các Ban quản lý dự án thuộc 4 Bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giao thông Vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Y tế; 4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Đồng Nai và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Theo báo cáo của các Ban quản lý dự án thuộc 32 Bộ, ngành và 56 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổng tài sản quản lý và mua sắm là hơn 2.366 tỷ đồng, tập trung ở 3 Bộ lớn là: Bộ Giao thông Vận tải- 360 tỷ đồng (chiếm 15%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn- 210,6 tỷ đồng (chiếm 9%), Bộ Y tế- 629 tỷ đồng (chiếm 27%). Đây là tài sản công được hình thành từ các nguồn kinh phí của ngân sách Nhà nước (NSNN cấp, vốn vay các tổ chức tài chính – ngân hàng Thế giới). Số kinh phí này về cơ bản đã được thực hiện bảo đảm phát huy hiệu quả của các dự án.

Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cũng cho thấy, một số Bộ, ngành, địa phương chưa làm tốt công tác thanh kiểm tra, chưa kịp thời chỉ đạo xây dựng quy chế quản lý, sử dụng tài sản, chậm xử lý hoặc xử lý sai quy định tài sản ở các dự án đã kết thúc… Trong đó, việc mua sắm tài sản, thiết bị vượt tiêu chuẩn, sai mục đích không phản ánh vào sổ kế toán và quyết toán 95,3 tỷ đồng; mượn và cho mượn tài sản diễn ra dưới nhiều hình thức, còn nhiều trường hợp chuyển tài sản không đúng thẩm quyền…

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý các tài sản là phương tiện đi lại của các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố gồm: 156 xe ô tô, 159 xe máy, 1 tàu công tác, trong đó đề nghị Bộ Tài chính ra quyết định thu hồi 29 xe ô tô để xử lý theo chế độ hiện hành, gồm 23 xe của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 5 xe của Bộ Giao thông Vận tải, 01 xe của Bộ Y tế...

KTNN cũng đã yêu cầu thu hồi nộp NSNN số tiền 1,827 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương kiểm điểm, xác định trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền của các sai phạm do KTNN phát hiện.

Cũng tại buổi họp báo, KTNN đã công bố kết quả kiểm toán Dự án Hồ Tả Trạch, tỉnh Thừa Thiên-Huế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên