Năm 2013 Vinacomin tăng sản lượng khai thác
(VOV) - Vinacomin dự tình lượng than tiêu thụ 43 triệu tấn, trong đó trong nước 27 triệu tấn, xuất khẩu 16 triệu tấn.
Đến thời điểm này, lượng than tồn của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) chỉ còn 7 triệu tấn, giảm 2 triệu tấn so với thời điểm tồn kho cao nhất.
Dự kiến năm 2012, Tập đoàn sẽ tiêu thụ gần 39 triệu tấn than, lợi nhuận ước đạt gần 2.000 tỷ đồng. Năm 2013, Vinacomin duy trì sản lượng xuất khẩu hợp lý để ổn định việc làm cho công nhân và cân đối thu chi tài chính. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Vinacomin về vấn đề này.
PV: Thưa ông, trong những tháng cuối năm này, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, Tập đoàn Than khoáng sản đã có những giải pháp thúc đẩy xuất khẩu làm giảm lượng than tồn, khắc phục khó khăn về tài chính. Ông cho biết kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn trong năm nay?
Phó TGĐ Nguyễn Văn Biên: Hiện nay, tình hình sản xuất kinh doanh của Ngành than đã dần ổn định, dự kiến cả năm sẽ đạt kế hoạch đã điều chỉnh. Đặc biệt là việc điều chỉnh giá than cho điện từ 15/9 và thuế xuất khẩu than từ 20% xuống 10% từ 11/10. Điều này đã một phần giảm bớt khó khăn về tài chính, mà đặc biệt là xuất khẩu được than để ổn định việc làm cho 10 vạn thợ mỏ.
Ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Vinacomin |
Dự kiến, cả năm 2012, Tập đoàn sẽ tiêu thụ khoảng 38,6 - 39 triệu tấn. Biện pháp tháo gỡ kịp thời của Chính phủ có ý nghĩa hết sức quan trọng vừa đảm bảo việc làm cho thợ mỏ và tổng nộp ngân sách cũng tăng do tăng được sản lượng, nhất là trong giai đoạn kinh tế còn nhiều khó khăn.
Thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ, chỉ đạo của các Bộ, ngành, Tập đoàn đã chủ động tiết giảm 5-10% chi phí trên tất cả các lĩnh vực, giảm sản lượng sản xuất trên cơ sở nhu cầu thị trường đồng thời tạm thời chấp nhận tăng một phần tồn kho vào giữa năm so với định mức để giảm bớt dư thừa lao động, tập trung cho đào lò xây dựng cơ bản, xây dựng mỏ mới và mở rộng các mỏ hiện có để tăng sản lượng trong các năm tới, tạm thời giảm đất bóc, giãn khấu hao, tiền lương...
PV: Thưa ông, Chính phủ cũng đã yêu cầu Vinacomin cân đối, điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất để có sản lượng phù hợp với nhu cầu thị trường. Vinacomin sẽ điều chỉnh như thế nào và nhất là theo lộ trình năm 2013 tới sản lượng khai thác dự báo sẽ tăng lên?
Phó TGĐ Nguyễn Văn Biên: Tập đoàn đã giảm sản lượng sản xuất 6,5 triệu tấn than sạch, khối lượng đất bóc đã giảm trên 50 triệu m3. Tập đoàn cũng đã tạm dừng, giảm sản xuất than lộ thiên ở những vị trí có thể dừng, giảm. Riêng với than hầm lò, vẫn phải duy trì sản xuất để đảm bảo an toàn chống giữ đường lò, khu vực khai thác, thông khí, thoát nước...
Năm 2013, dự báo nhu cầu than trong nước vẫn tăng, nhất là than cho các dự án nhiệt điện chạy than mới vào hoạt động, đồng thời Tập đoàn vẫn duy trì sản lượng than xuất khẩu hợp lý để đảm bảo việc làm cho người lao động và cân đối tài chính. Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch báo cáo Chính phủ và các bộ ngành với sản lượng than tiêu thụ 43 triệu tấn, trong đó trong nước 27 triệu tấn, xuất khẩu 16 triệu tấn.
Việc tăng sản lượng năm 2013 cũng là bắt buộc vì năm 2012 do khó khăn cho nên nhiều thiết bị, nhiều diện sản xuất lộ thiên đang tạm dừng sản xuất, nếu để lâu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả sử dụng thiết bị, việc làm và an sinh xã hội vùng mỏ cho nên năm 2013 cần tăng sản lượng để ổn định việc làm, duy trì và tăng dần năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu than tăng cao vào năm 2015.
PV: Năm 2013, Tập đoàn Than và Khoáng sản sẽ đối mặt với khó khăn về vốn, về ổn định nhân lực sản xuất và thực hiện lộ trình giảm dần xuất khẩu than... Như vậy Tập đoàn sẽ có những chính sách gì để đối mặt với những khó khăn đó và theo ông cần cơ chế đặc thù nào cho ngành than trong giai đoạn tiếp theo?
Phó TGĐ Nguyễn Văn Biên: Tính giai đoạn từ 2011 - 2015, nhu cầu vốn của ngành Than lên tới 3,5 tỷ USD, tương đương 65.000 - 70.000 tỷ đồng. Theo quy định, vốn đối ứng khoảng 20-30% thì hàng năm cần phải có, ít nhất là 4.000-5.000 tỷ đồng vốn tự có để tập đoàn vay vốn đầu tư phát triển các mỏ mới và nâng công suất mỏ hiện có, tức là Tập đoàn phải có ít nhất lợi nhuận 7.500 – 8.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, năm 2012 lợi nhuận chỉ đạt 1.000 – 2.000 tỷ đồng do những nguyên nhân về thị trường tiêu thụ, giá bán, thuế như nêu ở trên. Hiện nay thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, giá than thế giới giảm mạnh, giá than bán cho các hộ chỉ bù đắp chi phí và có lãi rất thấp, riêng than bán cho điện hiện nay mới bằng khoảng 70% giá thành.
Vì vậy, để tháo gỡ cho ngành than cần tiếp tục xem xét giải quyết sớm điều chỉnh giá than cho điện bù đắp đủ chi phí, tiến tới có lãi để đầu tư phát triển; duy trì sản lượng xuất khẩu hợp lý để ổn định việc làm từng bước tăng sản lượng và cân đối được tài chính./.
PV: Xin cảm ơn ông!./.