Năm 2017, ngành than đạt lợi nhuận dự kiến 2.000 tỷ đồng
VOV.VN - Năm 2017 ngành than vẫn đạt lợi nhuận dự kiến 2.000 tỷ đồng, tăng thêm 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016.
Trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, năm 2017, ngành Than đã đứng trước vô vàn khó khăn. Tuy vậy, niềm tin của những người thợ mỏ vẫn luôn sắt son với khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm”.
Hướng tới hoạt động kinh doanh minh bạch, công bằng, hiệu quả và tạo sức hút với người lao động, ngành Than đang kỳ vọng sự khởi sắc trong năm 2018. Đồng thời, trước sự tái cơ cấu mạnh mẽ của toàn tập đoàn, Chủ tịch HĐTV Lê Minh Chuẩn cũng đề nghị các cán bộ chủ chốt “Đừng vì cái ghế đang ngồi mà làm hỏng đi mục đích chung”.
Ngành than xây dựng kế hoạch tiêu thụ 36 triệu tấn trong năm 2018 |
Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn TKV khẳng định: "Mô hình cũ so với nền kinh tế hiện nay là không được, nên Đảng và Nhà nước đã có chỉ đạo dứt khoát phải tái cơ cấu lại. Sau 5 năm nữa mô hình rất gọn nhưng tài chính tăng gấp 5 lần, tái cơ cấu để tốt hơn chứ không để lụi bại".
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, TKV tái cơ cấu là để khoẻ hơn, mạnh hơn, đúng như kỳ vọng của đề án là trở thành tập đoàn kinh tế mạnh. Bởi lẽ sau khi tái cơ cấu, mô hình tổ chức của TKV sẽ hợp lý hơn, tinh gọn hơn và đi vào chiều sâu, thay vì đầu tư dàn trải như trước, để qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động. Và công tác quản trị doanh nghiệp cũng sẽ được hoàn thiện, đổi mới hơn trên tất cả các lĩnh vực, từ quản trị nguồn tài nguyên, quản trị nguồn vốn, quản trị nguồn nhân lực cho đến công tác đầu tư, công tác kỹ thuật, công nghệ.
Đề cập đến vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc vượt lên chính mình đang trở thành cách thức, thông điệp cũng như một áp lực trực tiếp của rất nhiều ngành.
"Trong bối cảnh chúng ta đang tiến hành tổng thể tái cơ cấu cũng như mỗi một ngành đều có áp lực tái cơ cấu riêng do tiến bộ của công nghệ và sức ép của thị trường. Hiện thực hoá đến đâu cũng như hiệu quả đến đâu còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Quan trọng nhất vẫn là do ngành, do lãnh đạo, do cộng đồng, người lao động cũng như sự phối kết hợp giữa ngành với các ngành có liên quan," ông Phong nêu rõ.
Vị chuyên gia này tin tưởng, ngành than là công nghiệp truyền thống, có rất nhiều phẩm chất, có rất nhiều kinh nghiệm nên sẽ giữ được mình để vượt lên chính mình và ngày càng mạnh hơn.
TKV tái cơ cấu là để "khoẻ" hơn |
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Ngô Trí Long lại cho rằng, những đề án bao giờ vẽ ra bối cảnh rất hoành tráng, mình nhìn thấy các mặt lạc quan, nhưng không thấy những nút thắt, bất cập, thách thức khó khăn. Nhưng thực tế trong quá trình thực thi không hoàn toàn tốt như vậy, vì thế, cần phải khảo sát, nghiên cứu 1 cách hết sức thận trọng và có căn cứ, cơ sở.
Tuy gặp nhiều khó khăn do biến động thị trường, nhưng năm 2017 ngành than vẫn đạt lợi nhuận dự kiến 2.000 tỷ đồng, tăng thêm 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận tăng chủ yếu do sản xuất khoáng sản tăng và giá bán tăng. Năm 2017, ngành than dự kiến nộp ngân sách 13,4 ngàn tỷ đồng, tăng 400 tỷ đồng so với thực hiện năm 2016. Tuy vậy, ngành Than còn tồn đọng 10,6 triệu tấn than (tương đương 15 ngàn tỷ đồng).
Ông Đặng Thanh Hải, Tổng giám đốc TKV cho biết, ngành than xây dựng kế hoạch tiêu thụ 36 triệu tấn trong năm 2018. Theo chiến lược, ngành Than bắt đầu chuyển hướng thị trường để không dẫn tới lệ thuộc vào ngành điện.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định, năm 2018 ngành Than sẽ có 2 thuận lợi: thứ nhất là nhu cầu than ở trong nước và thậm chí cả trên thế giới sẽ tăng cao. Trong nước, nhu cầu nhập than cho điện đang ngày càng gia tăng. Nếu ngành than xử lý tốt thì sản lượng ngành than cũng không đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước.
Thuận lợi thứ 2, theo ông Phong, ngành này đang có những chuyển động tích cực tái cơ cấu và phương án tái cơ cấu đã được Chính phủ duyệt theo hướng nâng cao hàm lượng công nghệ cũng như đa dạng hoá thị trường.
Ngoài vấn đề về chuyển đổi khách hàng, thay đổi công nghê, vướng mắc lớn của ngành Than trong thời gian vừa qua là chưa tạo được sức hút với người lao động. Nhất là lao động thợ lò. Để giải quyết dứt điểm thực trạng này, ông Lê Minh Chuẩn, đề nghị: “Không phải là cho ăn nhiều, tiền lương cao mà người ta đến với mình, mà cái môi trường làm việc, môi trường sống của họ phải khác, ứng xử phải khác. Năm nay chúng tôi thí điểm bảo hiểm lao động cho thợ lò”.
Trong năm 2018, với mục tiêu “an toàn - đổi mới - phát triển”, ngành than tiếp tục phấn đấu lãi 2.000 tỷ đồng, đưa mức lương bình quân chung toàn tập đoàn lên 9,8 triệu/tháng, trong đó sản xuất than là 10,4 triệu/tháng.
Với những thuận lợi mang tính khách quan cùng với sự chuyển biến mạnh mẽ, ngành than có nhiều lý do để tin tưởng sẽ khởi sắc trong năm 2018./.