Năm 2023: Ngân hàng Nhà nước điều hành chủ động, thích ứng với diễn biến thị trường
VOV.VN - Năm 2023, dự báo ngành Ngân hàng, tài chính - tiền tệ của Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức với những tác động từ bên ngoài và trong nội tại. Với nỗ lực từ chính các tổ chức tín dụng, toàn ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cam kết điều hành chính sách thận trọng, linh hoạt, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ổn định, phát triển kinh tế.
PV VOV phỏng vấn Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú về định hướng điều hành chính sách tài chính - tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2023.
PV: Thưa ông, xin ông cho biết định hướng điều hành chính sách tài chính - tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2023?
Ông Đào Minh Tú: Bước vào năm 2023 còn có rất nhiều khó khăn. Tác động của những khó khăn hiện nay cũng như những tác động kinh tế thế giới, những chính sách tiền tệ thắt chặt, vấn đề nâng lãi suất của các nước vẫn tiếp tục tác động đến Việt Nam. Tuy nhiên, theo tinh thần chỉ đạo chung nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng, ngành Ngân hàng xác định định hướng điều hành cho năm 2023 trên tinh thần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách rất linh hoạt, thận trọng nhưng đảm bảo được mục tiêu kiểm soát lạm phát, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ cho việc khôi phục nhanh nền kinh tế, hỗ trợ cho những lĩnh vực là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế, đảm bảo được mục tiêu cân đối lớn của nền kinh tế mà Chính phủ và Thủ tướng vẫn đặt ra.
PV: Cụ thể trong điều hành lãi suất, tỷ giá, đây là vấn đề được đánh giá sẽ có nhiều khó khăn trong năm 2023 thì NHNN sẽ có những chính sách gì để ổn định lãi suất, tỷ giá, thưa ông?
Ông Đào Minh Tú: Trong điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá, NHNN sẽ tiếp tục những chính sách hết sức linh hoạt và đảm bảo được cân đối chung để đảm bảo được niềm tin doanh nghiệp, người dân trong nền kinh tế đối với việc duy trì sự ổn định lãi suất cũng như ổn định xã hội. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục cung ứng vốn và những lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn xuất khẩu thủy sản xuất phụ trợ. Những lĩnh vực thu mua lương thực nông sản của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên, tăng cường hoạt động tín dụng chính sách về 3 chương trình mục tiêu quốc gia cũng như tín dụng đối với người nghèo, người thu nhập thấp. NHNN cũng tập trung tín dụng cho những lĩnh vực về mua nhà xã hội, nhà ở có giá trị thấp để phục vụ cho đời sống của người dân. Đây là những lĩnh vực chúng tôi sẽ tiếp tục đặt trọng tâm tăng trưởng tín dụng.
PV: Một nội dung được nhiều doanh nghiệp, người dân quan tâm là việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ và Thông tư 03/2022 của NHNN, trong năm 2022 giải ngân chậm, vậy sang năm 2023 sẽ triển khai thế nào, thưa ông?
Ông Đào Minh Tú: Đối với gói hỗ trợ 2%, thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội cũng như Nghị định 31 của Chính phủ, NHNN xem đây cũng là một trong những chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong chương trình khôi phục kinh tế. Ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục một cách mạnh mẽ, quyết liệt đặt ra những giải pháp như tuyên truyền chính sách, giám sát kịp thời, phối hợp với các bộ, ngành để giải quyết những khó khăn về mặt thủ tục và cách thức triển khai. Bên cạnh đó, cũng sẽ kịp thời tổng kết đánh giá sơ bộ những kết quả bước đầu của năm 2022, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những đề xuất để làm sao chúng ta sử dụng gói 40.000 tỷ đồng này một cách hợp lý nhất và hiệu quả nhất cũng như đảm bảo cho nhiều đối tượng được thụ hưởng chủ trương rất quan trọng và rất hiệu quả này của của Đảng và Nhà nước.
PV: Năm 2022, chúng ta đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% trong năm 2023 hiệu quả và nhanh hơn. Vậy các đối tượng được thụ hưởng gói hỗ trợ này có được mở rộng thêm không, thưa ông?
Ông Đào Minh Tú: Một số đối tượng đã và đang thuộc danh sách những doanh nghiệp hợp tác xã, hộ gia đình thuộc đối tượng được hưởng 2% lãi suất này. Tuy nhiên, việc tiếp cận cũng như việc mở rộng đang có những hạn chế. Chính vì thế, việc mở rộng đối tượng, những lĩnh vực mà có thể hỗ trợ được cũng là điều cần thiết, và cũng là vấn đề mà qua khảo sát đánh giá thì chúng tôi cũng sẽ phải báo cáo lên cấp có thẩm quyền để có thể xem xét thêm về việc mở rộng đối tượng này.
PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc Đào Minh Tú về cuộc trao đổi!./.