Nan giải bài toán quản lý thực phẩm chức năng
VOV.VN - Kinh doanh thực phẩm chức năng với những lời lẽ quảng cáo “có cánh”, hay thổi phồng công dụng sản phẩm trên mạng internet đang ngày càng phổ biến.
Như đã VOV phản ánh ở bài viết trước về sự nhiễu loạn trên thị trường thực phẩm chức năng, tình trạng sản xuất, làm giả, làm nhái thực phẩm chức năng, “treo đầu dê bán thịt chó” đang để lại cho cộng đồng xã hội nhiều hệ lụy khôn lường. Không ít người dân nhẹ dạ cả tin, coi thực phẩm chức năng như là “thần dược”.
Tuy nhiên, dù dư luận báo chí đã liên tục lên tiếng và cảnh báo, nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng dường như càng khó kiểm soát hơn. Liệu có sự tiếp tay của cơ quan chức năng, hay là vì các nhà quản lý chưa tìm ra giải pháp?
Cốm nhàu từ công nghệ xô chậu. |
Đầu tháng 8 vừa qua, Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Đình Lạc Thư, Phó Giám đốc Công ty TNHH thương mại Asia Pharmacy và Lê Văn Khối, Giám đốc Công ty TNHH dược phẩm Đông Dược Việt, vì làm thuốc và thực phẩm chức năng giả. Đây là 2 trong số 9 đối tượng liên quan đến đường dây sản xuất thuốc tân dược, thực phẩm chức năng giả quy mô cực lớn, hoạt động hàng năm nay.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã thu giữ nhiều máy móc, 500kg bao bì nhãn mác, cùng hàng trăm kg nguyên liệu để sản xuất… Đồng thời cũng thu giữ 850.000 đơn vị thuốc (viên, lọ) của 10 loại thuốc và 1,5 triệu đơn vị thực phẩm chức năng của 13 loại thực phẩm chức năng, tổng giá trị hàng hóa tạm giữ tương đương hàng thật ước tính hàng chục tỉ đồng.
Theo điều tra bước đầu, Thư và Khối lập ra 2 công ty làm bình phong cho hoạt động làm giả các loại thuốc, thực phẩm chức năng như thuốc lợi gan, mật, viên uống tăng cường nội tiết nữ, sinh lực nam, kích thích mọc tóc, các loại cốm… mang thương hiệu lớn. Số hàng giả vừa nêu được đường dây này bán cho các hộ kinh doanh thuốc, trung tâm dược tại địa bàn TP.HCM và các tỉnh miền Tây.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TPHCM cho biết, sự bùng nổ thực phẩm chức năng quá lớn trên thị trường hiện rất khó kiểm soát. Nếu năm 2000, cả nước chỉ mới có vài chục sản phẩm thực phẩm chức năng thì hiện nay đã lên tới hơn 10.000 sản phẩm, với hơn 4.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Thực tế thời gian qua, lực lượng chức năng TP HCM đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng theo “công nghệ xô chậu”, chất lượng thì “thượng vàng hạ cám”, bát nháo các loại sản phẩm.
Người dân như bị tung hỏa mù do quảng cáo trên mạng internet là sản phẩm điều trị bệnh dứt diểm. Nguyên do thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng vẫn có đất sống là vì theo các chuyên gia y tế, nhu cầu dinh dưỡng, bổ sung thực phẩm phổ biến trong cuộc sống hiện nay.
Hồ sơ là thực phẩm chức năng nhưng rao bán là thuốc và cam kết khỏi bệnh. |
Song, người tiêu dùng hiện đang rất cẩu thả, ít quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ, dễ dàng sử dụng theo kiểu rỉ tai mà không có chỉ định của bác sĩ. Đây là điều kiện, cơ hội cho hàng giả, hàng nhái, sản phẩm kém chất lượng với giá cả đắt đỏ nở rộ trên thị trường.
Trong khi đó, việc kinh doanh thực phẩm chức năng chủ yếu hiện nay theo hình thức online, việc phân phối cũng do những người không có chuyên môn, nghiệp vụ về dược đảm trách. Bởi vậy, việc kiểm tra, giám sát, phát hiện và ngăn chặn được các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả, hàng nhái trên địa bàn TP HCM đang là một bài toán vô cùng nan giải.
Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn khẳng định, thực phẩm chức năng không phải là thuốc, không thể thay thế thuốc chữa bệnh, chỉ có tác dụng hỗ trợ và phải sử dụng theo hướng dẫn ghi trên bao bì. Nếu bị lạm dụng, có thể có tác dụng ngược.
“Việc bổ sung những chất bổ cần thiết cũng có thể cần đối với một số trường hợp chứ không phải tất cả trường hợp. Khi ăn uống kém, hấp thu kém, thì có thể cần phải bổ sung, tuy nhiên mỗi thể trạng có sự khác nhau, không thể ai cũng giống nhau cả. Tốt nhất là nên đến gặp bác sĩ kiểm tra xem là mình có dùng được hay không”, Bác sĩ Hạnh khuyến cáo.
Theo quy định của Chính Phủ, từ đầu tháng 7/2019 vừa qua, tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng bắt buộc phải có chứng nhận tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (gọi tắt là GMP). Bao gồm những nguyên tắc, quy định về điều kiện sản xuất, áp dụng cho các cơ sở sản xuất thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, trang thiết bị y tế... nhằm đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng, an toàn.
Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà quản lý thì hiện có tới 80-90% cơ sở chưa đạt GMP. Do vậy, việc siết chặt quản lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng theo qui định là điều rất cần thiết. Và như thế, theo bà Phạm Khánh Phong Lan, sẽ có nhiều cơ sở sản xuất kém chất lượng phải đóng cửa.
“Phải còn nguyên bao bì gốc, phải có những số liệu trên đó về tính hợp pháp của sản phẩm. Nếu thấy có gì nghi ngờ phải báo ngay cho cơ quan chức năng, phải có hóa đơn, để sau đó so sánh đối chiếu, để xử lý trách nhiệm của nhà thuốc. Còn riêng đối với nhà thuốc, sẽ có những đợt kiểm tra đột xuất. Nếu phát hiện ra mua bán thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng, không có nguồn gốc rõ ràng, chúng tôi sẽ tịch thu tiêu hủy và xử phạt nặng”, bà Lan khẳng định.
Nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng bị cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ và buộc tiêu hủy. |
Cũng theo bà Phong Lan, thuốc chữa bệnh được kiểm soát nghiêm ngặt nhưng kẻ gian vẫn trà trộn được thuốc giả, huống chi thực phẩm chức năng được phân phối theo nhiều kênh khác nhau, được ưa chuộng nên đang là cơ hội cho nhiều người lợi dụng làm giả để trục lợi.
Vì vậy, cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan quản lý và các nhà thuốc, phải có hóa đơn xuất xứ đầy đủ, kể cả cơ quan đăng tải quảng cáo cũng cần phải kiểm tra tính hợp pháp của sản phẩm và thực hiện quảng cáo đúng, không đăng tải mọi nội dung quảng cáo của đơn vị cung cấp, dễ gây hiểu lầm giữa thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Vào tháng 4/2018, Công ty Vinaca (tại Hải Phòng) đã bị lật tẩy vì sản xuất thực phẩm chức năng từ than tre mà lại hô biến là thuốc điều trị ung thư. Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là sự điển hình của sự gián dối, điển hình về “lỗ hổng chết người” trong quản lý đối với quá trình cấp phép, sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thực phẩm chức năng.
Việc xử phạt mấy chục, mấy trăm triệu đối với các hoạt động phi pháp như hiện nay cũng chỉ như là muối bỏ bể. Trong khi quy trình quản lý, cấp phép, hậu kiểm thực phẩm chức năng vẫn còn lỏng lẻo đã tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm sản xuất hàng giả, nhái, kém chất lượng.
Bởi vậy, trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng quản lý hậu kiểm, người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ bản thân bằng cách sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, kiểm tra tính pháp lý và cẩn trọng khi mua bán và sử dụng./. “Bát nháo” cho vay trực tuyến chiếm tỷ lệ khiếu nại rất cao