Nâng cao cảnh giác với việc mua bán cau non ở Cần Thơ

VOV.VN -Hiện nông dân và thương lái thu mua cau non chỉ quan tâm chính là lợi nhuận trước mắt mà chưa hiểu rõ mục đích sâu xa của vấn đề.

>> Thương lái lại mua hoa thanh long bán sang Trung Quốc

>> Giả thương lái “lừa đảo” chủ vườn thanh long

>> Thương lái tìm cách ép giá trứng gia cầm 

Hiện nay, trên địa bàn một số tỉnh thành khu vực ĐBSCL, việc thu mua cau non đang diễn ra mạnh mẽ. Đặc biệt TP. Cần Thơ trở thành đầu mối tập kết thu mua, vận chuyển cau non thành phẩm bán sang Trung Quốc. Hiện nông dân và thương lái thu mua cau non chỉ quan tâm chính là lợi nhuận trước mắt mà chưa hiểu rõ mục đích sâu xa của vấn đề. Do vậy, vấn đề nâng cao cảnh giác trong việc mua, bán cau non ở Cần Thơ và các tỉnh trong vùng ĐBSCL là vấn đề cần thiết hiện nay.

Cau non tại điểm tập kết
Cứ khoảng 13h hàng ngày, tại 3 điểm tập kết thu mua cau non tại ấp Nhơn Lộc I, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ đã tấp nập người dân mang cau non đến bán cho các thương lái ngồi chờ. Số lượng thu mua cau non chưa bẻ cành trung bình ở mỗi điểm khoảng 400kg/ngày. Theo một thương lái chuyên thu mua cau, thì trước đây anh có mua cau già bán cho các đối tác trên TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng.

Tuy nhiên khoảng 1 tháng trở lại đây thì họ chuyển từ mua cau già sang cau non với giá thành rất cao. Thời điểm cao nhất là 72.000 đồng/kg, hiện nay còn khoảng 40.000 đồng/kg. Mỗi đợt họ chuyển trước cho anh từ 30 đến 50 triệu đồng, đặc biệt có thời điểm lên đến cả trăm triệu đồng để thu mua cau non. Vị thương lái này cũng cho biết, khi hỏi về mục đích thu mua cau non thì các đối tác luôn úp mở, không nói cụ thể.

Từ kinh nghiệm có sự tham gia của các thương lái Trung Quốc trong thu mua nông sản với giá thành cao ở ĐBSCL thì việc tận thu cau non hiện nay đã đặt ra những nghi vấn trong cộng đồng dân cư ở huyện Phong Điền.

Theo anh Trần Trung Tín, ngụ ở ấp Nhơn Lộc I, Thị trấn Phong Điền thì thương lái Trung Quốc thu mua cau non hiện nay thực sự làm ảnh hưởng lớn tới kinh tế của người dân về lâu về dài. Bởi theo anh Tín thì cau già được đưa ra Bắc bán với giá thành từ bốn đến năm ngàn đồng một quả. Nhưng hiện nay theo được anh biết, giá thành cau già đẹp ngoài Bắc đã được đẩy lên cao vì nguồn hàng này ngày càng khan hiếm do cau non khu vực ĐBSCL đã bị bẻ hết.

Anh Trần Trung Tín cũng cho biết, với thủ đoạn hiện nay của thương lái Trung Quốc thì họ chỉ cần bỏ ra một số tiền nhỏ cũng đã làm người dân lao đao vì cái lợi nhuận nhỏ trước mắt mà quên đi những lợi ích lâu dài.

Cau non thành phẩm được đóng thùng xốp vận chuyển sang Trung Quốc
Ông Nguyễn Lạc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phong Điền cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện Phong Điền, tình hình thu mua cau non diễn ra sôi động. Theo ông Lạc, việc thu mua cau non lần này tiềm ẩn nhiều rủi ro khi giá thành được đẩy cao hơn gấp 10 lần so với bình thường. Hiện nay, địa phương không ngăn cấm việc bà con bán cau non nhưng sẽ có những biện pháp để khuyến cáo người dân tránh việc chuyển đổi mục đích sản xuất.

Theo ông Nguyễn Lạc, trước mắt chính quyền địa phương sẽ có giám sát đối với hoạt động buôn bán cau non trên địa bàn huyện để kịp thời tham mưu cho lãnh đạo thành phố cũng như định hướng cho bà con trong việc phát triển cây trồng, đảm bảo đời sống. Đặc biệt, khuyến cáo người dân không nên vì lợi nhuận trước mắt cao mà chuyển qua trồng cau. Như thế, hậu quả sẽ khôn lường nếu các thương lái ngừng mua./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên