Nâng cao giá trị cây sắn ở "chảo lửa" của Gia Lai

VOV.VN - Với trên 80.000 ha sắn, cho sản lượng trên 1,6 triệu tấn mỗi năm, hiện Gia Lai là tỉnh trồng sắn nhiều nhất cả nước.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thu nhập của nông dân trồng sắn còn thấp, đòi hỏi cần có những thay đổi từ hoạt động sản xuất và chế biến sắn để phát huy tốt lợi thế của vùng nguyên liệu và nâng cao thu nhập cho người dân.

Tại huyện Krông Pa, nơi được ví là “chảo lửa” của tỉnh Gia Lai, gia đình chị Rơ Com H’ Duyệt ( ở xã Chư Ngọc) có 1 ha sắn. Theo chị H’ Duyệt, 1 ha này là mảnh rẫy cằn cỗi, quanh năm thiếu nước nhưng cây sắn vẫn có thể sinh trưởng, phát triển. Năm ngoái, nhờ được mùa, giá cả ổn định, nên trừ chi phí, chị thu được 30 triệu đồng. Năm nay, bệnh khảm lá sắn khiến vườn cây bị sụt giảm năng suất, chị thu về chỉ bằng nửa vụ trước. Thu nhập từ trồng sắn bấp bênh, chị Rơ Com H’Duyệt mong mỏi tìm được giống sắn vừa năng suất, vừa kháng bệnh.

“Năm ngoái được mùa, được giá. Năm nay, sắn không có củ, với lại năng suất không phát triển mấy, nên chúng toi rất cần nhà nước đưa cây giống mới, có củ hơn” - chị H’ Duyệt chia sẻ.

Hiện nay, tại tỉnh Gia Lai có trên 80.000 ha sắn, được trồng chủ yếu ở các huyện đông nam như Krông Pa, Ayun Pa và huyện Ia Pa. Với đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, chịu hạn tốt nên cây sắn phù hợp với trình độ canh tác ở vùng dân tộc thiểu số và nơi đất đai bạc màu, thiếu nước. Thực tế, hiện nay, tại Gia Lai có trên 45.000 nông hộ dân tộc thiểu số trồng sắn. Tuy vậy, với năng suất trung bình hiện khoảng 20,1 tấn/ 1 ha, sau khi trừ chi phí, mỗi ha sắn cho thu chỉ từ 20 đến 30 triệu đồng/ năm. So với những cây trồng khác, hiệu quả từ cây sắn mang lại cho nông dân còn thấp.

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, để nâng cao giá trị cây sắn, thì trước tiên nông dân phải trồng giống sắn kháng bệnh, cho năng suất cao. “Chúng ta cần phải đưa ra giống tốt, áp dụng quy trình canh tác đầy đủ, đầu tư phân bón, nước tưới, làm sao nâng cao năng suất, giá trị, sản lượng sắn. Cái nữa là nhà máy chế biến bắt buộc phải gắn và có trách nhiệm trong phát triển vùng sản xuất, hỗ trợ người dân xây dựng lại các hợp tác xã khuyến nông, chuyển đổi kỹ thuật canh tác mới”.

Bên cạnh vấn đề giống và kỹ thuật canh tác, ông Lưu Trung Nghĩa - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai cho rằng, cần phải phát triển loại cây này theo hướng bền vững trên cơ sở liên kết sản xuất và chế biến sâu.

Về thực tế tại Gia Lai, ông Nghĩa cho biết, toàn tỉnh có 5 nhà máy chế biến tinh bột sắn, nhưng chưa đơn vị nào ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người dân. Điều này khiến người trồng sắn bị động trong sản xuất; tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa thường xuyên tái diễn. Bên cạnh đó, công nghệ chế biến của các nhà máy hiện nay ở mức trung bình, sản phẩm xuất khẩu chưa đa dạng, sức cạnh tranh chưa cao. Sắp tới ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai sẽ phối hợp với Hiệp hội sắn Việt Nam  để từng bước thúc đẩy, giải quyết những vấn đề này.

“Thời gian vừa qua, khi nông dân sản xuất ra sản lượng sắn như vậy, nhưng doanh nghiệp chỉ mua, chưa có hợp đồng từ đầu vụ. Cho nên mong muốn là sẽ có những nhà máy chế biến thực hiện được mối liên kết này. Chúng tôi sẽ làm việc tích cực với Hiệp hội Sắn Việt Nam để kêu gọi, thu hút vào làm việc này. Với vùng nguyên liệu 80.000 ha này, nếu chúng ta làm tốt việc này thì có thể kêu gọi 3 đến 4 nhà máy có công nghệ tốt, tài chính tốt thì tạo ra vùng nguyên liệu phát triển bền vững” - ông Nghĩa bày tỏ.

Nhờ được chế biến và xuất khẩu, hiện nay sắn và các sản phẩm từ sắn đã có tiềm năng để gia tăng giá trị. Vì thế, để góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, đồng thời phát huy thế mạnh của vùng nguyên liệu sắn lớn nhất cả nước, Gia Lai cần có những thay đổi, phát triển cây sắn theo hướng bền vững, hiệu quả hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giải pháp nào để nâng cao giá trị cây sắn Việt Nam?
Giải pháp nào để nâng cao giá trị cây sắn Việt Nam?

VOV.VN - Hiện nay, sắn là một trong số những mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu có kim ngạch hàng năm trên 1 tỷ USD của nước ta. Tuy vậy, tiềm năng gia tăng giá trị của ngành hàng này vẫn còn rất lớn.

Giải pháp nào để nâng cao giá trị cây sắn Việt Nam?

Giải pháp nào để nâng cao giá trị cây sắn Việt Nam?

VOV.VN - Hiện nay, sắn là một trong số những mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu có kim ngạch hàng năm trên 1 tỷ USD của nước ta. Tuy vậy, tiềm năng gia tăng giá trị của ngành hàng này vẫn còn rất lớn.

Liên kết sản xuất nâng tầm giá trị cà phê Gia Lai
Liên kết sản xuất nâng tầm giá trị cà phê Gia Lai

VOV.VN - Hiện ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đang tích cực xây dựng, hoàn thiện quy trình sản xuất cà phê đặc sản robusta theo Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, giai đoạn 2021-2030. 

Liên kết sản xuất nâng tầm giá trị cà phê Gia Lai

Liên kết sản xuất nâng tầm giá trị cà phê Gia Lai

VOV.VN - Hiện ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đang tích cực xây dựng, hoàn thiện quy trình sản xuất cà phê đặc sản robusta theo Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, giai đoạn 2021-2030.