Nâng tầm thương hiệu nông sản Sơn La

VOV.VN - Năm 2022 tiếp tục là một năm nông nghiệp Sơn La gặt hái nhiều “quả ngọt”. Không chỉ có thêm nhiều sản phẩm mới, địa phương được coi là “hiện tượng nông nghiệp” của Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa những mục tiêu dài lâu, đặc biệt là quan tâm xây dựng và nâng tầm thương hiệu nông sản.

Bạch trà mây – kết tinh của những búp chè san tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi tại “thiên đường mây” Tà Xùa là sản phẩm mới của Công ty TNHH Trà và đặc sản Tây Bắc, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Vừa ra mắt thị trường, nhưng Bạch trà mây đã được công nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2022.

Không chỉ tô điểm cho bản đồ nông nghiệp Sơn La, Bạch trà mây còn góp phần nâng tầm thương hiệu vùng chè shan tuyết cổ thụ cũng như đem lại sinh kế cho bà con vùng cao.

“Bạch trà mây là nhóm trà khi chế biến không dùng công nghệ, máy móc, thiết bị, mà hoàn toàn dựa vào thiên nhiên, trà tự lên men và làm khô dưới nắng gió của Tà Xùa. Trà có mùi hương rất nhẹ của hoa rừng, ngọt như vị chín của trái cây. Sản phẩm mà công ty chế biến hoàn toàn thu hái từ cây chè san tuyết cổ thụ, do chính bà con người Mông tại đây thu hái, người dân ở đây chế biến tại xưởng của công ty” - bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Công ty chia sẻ.

Ghi danh trong 19 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Sơn La năm qua, na sầu riêng của HTX Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn là niềm tự hào của những nhà nông cần cù, sáng tạo. Những trái na sầu riêng có hình dáng mới lạ, bắt mắt, nặng từ 1 – 1,5kg, có quả to đến hơn 2kg, được HTX và Viện rau quả Việt Nam trồng thành công nhờ việc ghép mắt giống cây nhập ngoại và cây na dai truyền thống.

Năm đầu tiên xuất hiện trên thị trường, nhưng na sầu riêng đã nhanh chóng lên kệ của nhiều cửa hàng hoa quả, siêu thị trong và ngoài tỉnh với giá bán từ 400 - 500 nghìn đồng/kg.

Ông Nguyễn Quốc Hội, HTX Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn cho biết: “Chúng tôi rất tự hào khi trồng thành công giống na này, quả chất lượng hơn hẳn, sản lượng đạt, mẫu mã đẹp, ăn quả ngon, thơm, vị đặc trưng, giá thành cao, người nông dân rất phấn khởi. Trên đất Sơn La, na sầu riêng hợp nhất vào thời điểm mùa đông. Kỹ thuật khó, thời gian chăm sóc dài hơn, tuy vậy giá trị quả na nâng lên, người nông dân đạt được kinh tế cao”.

Khai thác tiềm năng, lợi thế mặt nước mênh mông của hồ thủy điện Sơn La và Hòa Bình, người dân sinh sống ở vùng ven sông Đà lại phát triển mạnh nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Các sản phẩm không dừng lại ở việc khai thác tự nhiên, mà được quy hoạch bài bản, có định hướng với hàng nghìn lồng nuôi cá đạt tiêu chuẩn; những sản phẩm độc đáo, mang thương hiệu vùng lòng hồ thường xuyên tham gia ngày hội nông sản trong và ngoài tỉnh để quảng bá, kết nối, mở rộng thị trường.

“Hợp tác xã thủy sản sông Đà có 218 lồng cá, sản lượng cá đạt hơn 10 tấn/ năm. Sản phẩm cá lồng nuôi trên lòng hồ sông Đà đã đạt OCOP 3 sao - sản phẩm đặc trưng của vùng lòng hồ sông Đà. Ngoài ra, chúng tôi còn có các sản phẩm đánh bắt tự nhiên được chế biến thành cá chua, tôm chua, cá khô, cá nướng được nhiều người yêu thích” - chị Sa Thị Việt, HTX thủy sản sông Đà, xã Tường Phong, huyện Phù Yên nói.

Năm 2022 tiếp tục là một năm nông nghiệp Sơn La gặt hái nhiều “quả ngọt”, với 04 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận, có thêm 31 sản phẩm OCOP, 15 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; diện tích nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ tăng thêm hàng nghìn héc ta; 61 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu được cấp mới…

Đặc biệt, Sơn La giữ vị trí đứng đầu miền Bắc và đứng thứ hai của cả nước về diện tích cây ăn quả, với hơn 82.000 ha; gần 40% diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và tương đương, sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ... Năm 2022, giá trị hàng hóa nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu đạt khoảng 163,2 triệu USD.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: “Để phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, Sơn La tập trung sản xuất theo đúng quy trình, quy chuẩn sản xuất tiêu chuẩn ở Việt Nam như VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, gắn chặt và phát triển mạnh mẽ chuỗi sản xuất từ nông dân, HTX, doanh nghiệp, nhà chế biến, nhập khẩu và xuất khẩu. Và đặc biệt là tiếp tục xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm; thu hút các nhà máy chế biến để vừa chế biến vừa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu”.

Mới đây, tại chuyến thăm Sơn La nhân dịp Tết nguyên đán năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã đánh giá cao kết quả tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Sơn La, nhất là những điểm sáng trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

“Qua theo dõi quá trình phát triển của tỉnh những năm qua, tôi thấy cơ cấu kinh tế, chất lượng phát triển của chúng ta đã có những thay đổi rất cơ bản. Hàng hóa sản xuất của Sơn La hiện nay không chỉ trong nước mà có thể khẳng định rằng những sản phẩm này đã vươn ra thế giới, mang thương hiệu sản phẩm của Sơn La, Việt Nam ra thế giới. Điển hình như trái cây của Sơn La, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và cách chăm sóc của người dân nơi đây đã tạo ra những sản phẩm tuyệt vời và có giá trị” - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận xét.

Cấp ủy, chính quyền và những nhà nông cần cù, sáng tạo ở miền núi Sơn La đang nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trở thành trung tâm chế biến nông sản của vùng Tây Bắc theo tinh thần Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị; góp phần nâng cao giá trị, nâng tầm thương hiệu, đưa nông sản Sơn La vươn xa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nông dân Sơn La chuyển đổi số đưa nông sản vươn xa
Nông dân Sơn La chuyển đổi số đưa nông sản vươn xa

VOV.VN - Là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, những năm gần đây, nông dân Sơn La đã bắt kịp xu thế chuyển đổi số trong các quy trình từ sản xuất đến quảng bá, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị và đưa sản phẩm nông sản Sơn La vươn xa.

Nông dân Sơn La chuyển đổi số đưa nông sản vươn xa

Nông dân Sơn La chuyển đổi số đưa nông sản vươn xa

VOV.VN - Là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, những năm gần đây, nông dân Sơn La đã bắt kịp xu thế chuyển đổi số trong các quy trình từ sản xuất đến quảng bá, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị và đưa sản phẩm nông sản Sơn La vươn xa.

Sơn La có thêm 19 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2022
Sơn La có thêm 19 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2022

VOV.VN - Trong số các sản phẩm tiêu biểu được công bố và cấp Giấy chứng nhận, có 4 sản phẩm được tôn vinh lần thứ 2.

Sơn La có thêm 19 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2022

Sơn La có thêm 19 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2022

VOV.VN - Trong số các sản phẩm tiêu biểu được công bố và cấp Giấy chứng nhận, có 4 sản phẩm được tôn vinh lần thứ 2.

Nông sản Sơn La qua góc nhìn của các chuyên gia
Nông sản Sơn La qua góc nhìn của các chuyên gia

Sơn La là tỉnh miền núi biên giới, có lợi thế phát triển các loại nông, lâm, thủy sản và đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, nhất là mặt hàng trái cây, có nhiều sản phẩm nổi tiếng như: xoài, nhãn, mận, chuối, chanh leo, dâu tây, na, bơ, hồng giòn...

Nông sản Sơn La qua góc nhìn của các chuyên gia

Nông sản Sơn La qua góc nhìn của các chuyên gia

Sơn La là tỉnh miền núi biên giới, có lợi thế phát triển các loại nông, lâm, thủy sản và đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, nhất là mặt hàng trái cây, có nhiều sản phẩm nổi tiếng như: xoài, nhãn, mận, chuối, chanh leo, dâu tây, na, bơ, hồng giòn...