Ngăn chặn kịp thời một vụ lừa đảo thương mại từ Nam Phi

DN cần đề nghị các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước sở tại hoặc thông qua Bộ Công Thương để hỗ trợ thẩm tra đối tác trước khi giao dịch

Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) cho biết, trong tháng 11 vừa qua, Vụ này đã phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi hỗ trợ 1 doanh nghiệp trong nước thẩm tra đối tác tại Nam Phi và phát hiện hình thức lừa đảo mới, kịp thời cảnh báo doanh nghiệp chấm dứt giao dịch, tránh cho doanh nghiệp không phải chịu một tổn thất khá lớn.

Theo đó, ngày 20/8/2012 doanh nghiệp trong nước có trụ sở tại Hà Nội đã ký hợp đồng mua hàng nhập khẩu sắt thép phế liệu với đối tác là Công ty Doctors John Metal Refinery Scrapyard, địa chỉ tại Orion House, 49 Jorissen str, Braamfuntein Johanesburg- South Africa. Hợp đồng gồm 11 trang với 19 điều khoản có đầy đủ chữ ký và đóng dấu hai bên, trị giá hợp đồng là 12 triệu USD.

Để tạo niềm tin cua người mua, sau khi ký Hợp đồng đối tác phía Nam Phi sẽ thông qua ngân hàng tại Nam Phi phát hành Thư bảo lãnh (Performance bond) trị giá 20.000 USD và yêu cầu doanh nghiệp ta phải chuyển 20.000 USD vào ngân hàng NETBANK (trong khi quy định trong HĐ ghi ngân hàng giao dịch là ABSA BANK), nếu đối tác Nam Phi không giao hàng đúng hạn thì ngân hàng (nơi phát hành thư bảo lãnh) phải trả lại tiền cho bên mua. Đối tác Nam Phi còn tăng sự tin tưởng bằng việc mời doanh nghiệp ta sang Nam Phi để giám sát việc chuyển tiền và thực hiện hợp đồng, đồng thời liên tục thúc giục doanh nghiệp thực hiện hợp đồng, nếu không sẽ bán cho người mua khác. Doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị các thủ tục để chuyển tiền và sang Nam Phi giám sát việc thực hiện.

Doanh nghiệp đã liên hệ với Bộ Công Thương (Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á) để đề nghị hỗ trợ về thủ tục đi lại và gặp gỡ đối tác tại Nam Phi. Cảnh giác trước những trường hợp lừa đảo gần đây từ Châu Phi và nhận thấy những dấu hiệu bất thường trong hợp đồng mua bán này, Bộ Công Thương và Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi đã cảnh báo doanh nghiệp thận trọng và hỗ trợ thẩm tra đối tác trước khi thực hiện giao dịch.

Theo thông báo của ngân hàng ABSA sau khi làm việc với Thương vụ tại Nam Phi thì Thư bảo lãnh mà đối tác Nam Phi cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam là giả mạo, không có số bảo lãnh, không đúng thể thức, chữ ký người bảo lãnh là giả. Kiểm tra lại nội dung hợp đồng, có thể thấy đối tượng đã đưa ra những đề nghị khá hấp dẫn như chào bán hàng với giá khá rẻ kèm các điều khoản có lợi cho người mua để đánh vào tâm lý ham thu được lợi nhuận cao từ đó dễ mất cảnh giác và mắc bẫy.

Thương vụ tại Nam Phi đã kịp thời thông báo cho doanh nghiệp trong nước chấm dứt giao dịch ngay khi doanh nghiệp đang chuẩn bị các thủ tục chuyển tiền và bay sang Nam Phi. Hiện Thương vụ và doanh nghiệp đang phối hợp để làm việc với cơ quan hữu trách Nam Phi về đối tượng lừa đảo này.

Đây là một trong số những hình thức lừa đảo thương mại mới xuất hiện khá nhiều trong thời gian gần đây xuất phát từ các đối tượng ở Châu Phi, nhắm vào các cá nhân và doanh nghiệp của Việt Nam.

Bộ Công Thương cảnh báo các doanh nghiệp trong nước cần hết sức cảnh giác trước những hành vi và hiện tượng tương tự trong quá trình giao dịch, kinh doanh với thị trường Châu Phi nói riêng và nước ngoài nói chung. Doanh nghiệp cần đề nghị các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước sở tại hoặc thông qua Bộ Công Thương để hỗ trợ thẩm tra đối tác trước khi giao dịch./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cảnh giác với hình thức lừa đảo mới từ nước ngoài
Cảnh giác với hình thức lừa đảo mới từ nước ngoài

(VOV) - Bộ Công Thương cảnh báo các doanh nghiệp và cá nhân cần nâng cao cảnh giác và thận trọng trong các giao dịch thông qua internet.

Cảnh giác với hình thức lừa đảo mới từ nước ngoài

Cảnh giác với hình thức lừa đảo mới từ nước ngoài

(VOV) - Bộ Công Thương cảnh báo các doanh nghiệp và cá nhân cần nâng cao cảnh giác và thận trọng trong các giao dịch thông qua internet.

Lừa đảo thương mại internet từ Cameroon
Lừa đảo thương mại internet từ Cameroon

Một doanh nghiệp nhập khẩu gỗ Việt Nam bị lừa tới gần 400.000USD.

Lừa đảo thương mại internet từ Cameroon

Lừa đảo thương mại internet từ Cameroon

Một doanh nghiệp nhập khẩu gỗ Việt Nam bị lừa tới gần 400.000USD.

Cảnh giác với hình thức lừa đảo mới từ Châu Phi
Cảnh giác với hình thức lừa đảo mới từ Châu Phi

(VOV) - Bộ Công Thương vừa có cảnh báo về một số hình thức lừa đảo mới của các đối tượng từ Châu Phi và nước ngoài.

Cảnh giác với hình thức lừa đảo mới từ Châu Phi

Cảnh giác với hình thức lừa đảo mới từ Châu Phi

(VOV) - Bộ Công Thương vừa có cảnh báo về một số hình thức lừa đảo mới của các đối tượng từ Châu Phi và nước ngoài.