Ngân hàng cho vay “mạnh tay”, lãi suất cuối năm sẽ tăng nhẹ
VOV.VN - Các tháng còn lại của năm 2019 được dự báo lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ, còn lãi suất cho vay không biến động nhiều.
Theo công bố mới nhất của Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) về triển vọng ngành quý 4/2019, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng nửa đầu năm ở mức 8,64%, thấp hơn so với 9,52% của cùng kỳ năm 2018. Mức cung tiền M2 tăng trưởng lũy kế hết 9 tháng đạt mức 8,6% so với đầu năm, tương đương mức tăng trưởng tín dụng. Cung cầu tín dụng được kiểm soát tốt sẽ giúp mặt bằng lãi suất ổn định.
Về triển vọng quý 4/2019, Công ty BSC đánh giá, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống có thể sẽ đạt mức 12%-13%, chủ yếu do nhu cầu tín dụng giảm ở nhiều ngành nghề kinh doanh đang gặp khó khăn cùng với việc siết chặt cho vay các ngành nghề rủi ro; nhu cầu tín dụng mảng khách hàng cá nhân có thể bị ảnh hưởng do nền kinh tế đang giảm tốc trong thời gian tới.
Theo nhận định của các tổ chức tín dụng (TCTD), tình hình kinh doanh quý 3/2019 tiếp tục có cải thiện rõ nét hơn so với quý 2/2019; 82,3% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ "cải thiện" trong quý 4/2019 và 87,1% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2019 cải thiện hơn so với năm 2018.
Nhiều tín hiệu tăng trưởng tích cực của ngành ngân hàng từ nay đến cuối năm. (Ảnh minh họa: KT) |
Theo nhận định của chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, trong 3 quý của năm 2019, tăng trưởng tín dụng chậm hơn năm ngoái, tuy nhiên, cả ngành ngân hàng dự báo sẽ đạt mục tiêu khoảng 14%. Từ nay đến cuối năm, hệ thống ngân hàng còn nhiều dư địa vì trong 3 quý đầu tăng trưởng chậm hơn năm ngoái và cho đến thời điểm này vẫn còn nhiều “room” để tiếp tục tăng trưởng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc hệ thống ngân hàng đạt được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là điều tốt, các ngân hàng hiện nay rất cẩn thận trong việc cho vay. Vì thế, khi tăng trưởng chậm hơn nhưng chất lượng tốt hơn thì đáng mừng hơn việc tăng trưởng về con số nhưng chất lượng giảm đi và có tiềm năng nợ xấu phát sinh trong tương lai.
Với tình hình nợ xấu, vị chuyên gia này nhận định, tỷ lệ nợ xấu không được cải thiện nhiều trong năm 2019 mặc dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng có giảm. Đây là vấn đề các ngân hàng cần phải quan tâm hơn vì nợ xấu là tài sản không sinh lời của các ngân hàng trong khi các ngân hàng vẫn phải nuôi nó bằng lượng tiền gửi trước đó của khách hàng. Điều này khiến ngân hàng không có thêm lợi nhuận, nợ xấu cũ thì không được giải quyết một cách rốt ráo mà nợ xấu mới lại tăng lên, đặc biệt là nợ xấu của tín dụng tiêu dùng.
Với lĩnh vực lãi suất, ông Hiếu đánh giá: “Những tháng cuối năm là thời điểm các ngân hàng thường cho vay “mạnh tay” để hấp thụ vốn. Vì thế lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ, còn lãi suất cho vay sẽ không biến động nhiều”.
Về dài hạn, TS. Nguyễn Trí Hiếu dự báo, bước sang năm 2020, hệ thống ngân hàng có thể sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro. Rủi ro đầu tiên đến từ tình hình tài chính và thương mại quốc tế. Việc Mỹ - Trung Quốc đang tìm cách hòa giải mới chỉ là sự khởi đầu, có thể nói là sự kết thúc của giai đoạn khởi đầu chứ không phải là khởi đầu của một giai đoạn kết thúc. Do đó, chúng ta cần lạc quan trong sự thận trọng. Nếu vấn đề của hai cường quốc này được giải quyết thì hệ thống tài chính thế giới sẽ ổn định trở lại và hệ thống ngân hàng của Việt Nam cũng sẽ ổn định theo.
“Nếu cuộc chiến thương mại tiếp tục hoặc leo thang sẽ ảnh hưởng đến vấn đề tiền tệ của thế giới, ảnh hưởng đến vấn đề lãi suất, tỷ giá, từ đó gây nên bất ổn toàn cầu trong đó có Việt Nam. Do vậy, để đối phó với những biến động, rủi ro trong năm mới, các ngân hàng cần chuẩn bị cho mình các kịch bản. Đồng thời, ngành ngân hàng cần có dự báo về những biến động không thuận lợi, từ đó có giải pháp để ứng phó kịp thời và duy trì được tính thanh khoản cũng như duy trì được lợi nhuận cho ngân hàng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo./.
Tăng trưởng tín dụng 9 tháng chậm lại, mới chỉ đạt 8,64%