Ngân hàng Nhà nước chủ động ứng phó với áp lực tỷ giá
Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp thị trường để ổn định tỷ giá cũng như tăng cung cho thị trường vàng thông qua đấu thầu vàng miếng.
Ứng phó áp lực tỷ giá
Hôm nay, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết tiếp tục tăng, neo ở mức 24.260 đồng/USD. Chỉ tính từ đầu tháng 4 đến nay, tỷ giá đã tăng 256 đồng, tương ứng hơn 1%. Tỷ giá trung tâm tăng trước những biến động mạnh của thế giới, kéo theo USD tại các ngân hàng tăng nhanh. Áp lực tỷ giá đang tác động trực tiếp đến chi phí đầu vào của nhiều doanh nghiệp trong nước. Dù đã mua bảo hiểm tỷ giá nhưng doanh nghiệp vẫn thấp thỏm. Bởi gần đây, do xung đột Biển Đỏ, nhiều đơn hàng về muộn, bị quá thời hạn được hưởng bảo hiểm.
Ông Vũ Văn Phụ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nhà máy Nhôm Việt Pháp cho biết: "Đến hạn trong 30 ngày chẳng hạn, nhưng 30 ngày hợp đồng đó lại chưa về được, hợp đồng khác không mua bảo hiểm nhưng đã về đến cảng. Ngân hàng cho thực hiện thanh khoản vào hợp đồng đó sẽ thuận lợi hơn".
Với mức tăng của tỷ giá vào khoảng 4,9% so với cuối năm 2023, có tính thời điểm khi kết thúc năm tài chính, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chuyển một phần lợi nhuận về nước, phát sinh nhu cầu ngoại tệ. Hơn nữa, việc Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất đã không diễn ra như kỳ vọng.
Bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Cổ phần Chứng khoán MBS chia sẻ: "Cần phải chấp nhận diễn biến tự nhiên của VNĐ trong bối cảnh đồng USD mạnh lên, các nước ASEAN vẫn duy trì mức lãi suất thấp. Chúng ta không còn dư địa nhiều để tiếp tục cắt giảm lãi suất".
Các chuyên gia cũng cho rằng, không loại trừ tác động từ thị trường vàng, khi tỷ giá trên thị trường tự do liên tục biến động, nhu cầu ngoại tệ phát sinh để nhập lậu, đầu cơ vàng cần phải xử lý. Ông Trương Văn Phước - Nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đưa ra quan điểm: "Giải pháp là đấu thầu vàng. Chúng ta cần phải tính toán, xem xét để làm sao vàng cũng là ngoại hối, đáp ứng cho nhu cầu vàng vật chất trong thị trường của người dân ở mức giá có thể chấp nhận được nhưng đồng thời, vẫn đảm bảo được cán cân thanh toán của chúng ta để thanh toán quốc tế".
Biến động tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới đã khiến đồng nội tệ của nhiều quốc gia mất giá khá cao từ trên 5% đến gần 9%. Mức biến động của đồng Việt Nam được cho là phù hợp với điều kiện thị trường nhưng cần được theo dõi thận trọng.
Sẽ can thiệp để ổn định tỷ giá và thị trường vàng
Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp thị trường để ổn định tỷ giá cũng như tăng cung cho thị trường vàng thông qua đấu thầu vàng miếng (dự kiến sẽ được tổ chức vào thứ 2 tuần tới). Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vừa khẳng định những thông tin này trong cuộc họp báo ngày hôm nay về tình hình hoạt động chính sách tiền tệ, tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngoài sự điều hành linh hoạt, cơ quan này còn sử dụng nhiều công cụ khác nhằm duy trì sự ổn định của tỷ giá. Chỉ riêng trong tháng 3, cơ quan này đã hút 170.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu nhằm giảm bớt sự dư thừa tiền đồng trên thị trường. Qua đó giảm bớt áp lực trong ngắn hạn đối với tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ sẵn sàng can thiệp thị trường để bình ổn tỷ giá.
Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định: "Ngân hàng Nhà nước sẽ công khai việc bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm, để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0, với mức tỷ giá bán can thiệp là 25.450 đồng/USD. Như vậy, đây là một biện pháp rất mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo giải tỏa tâm lý của thị trường, khơi thông nguồn cung của thị trường và đảm bảo thanh khoản thị trường ngoại tệ thông suốt, đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế".
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra ý kiến: "Trong trường hợp cần thiết, chúng tôi có thể sử dụng nguồn ngoại tệ của quốc gia. Đó là nguồn dự trữ ngoại hối để có thể can thiệp tỷ giá, để đảm bảo được tỷ giá như mong muốn và mục tiêu đặt ra. Đó là sự ổn định chung cho nền kinh tế".
Về quản lý thị trường vàng, hiện Ngân hàng Nhà nước cũng đã sẵn sàng các phương án tăng cung vàng miếng cho thị trường thông qua hình thức đấu thầu. Hôm nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức thu nhận cọc từ các doanh nghiệp và tổ chức sẽ tham gia phiên đấu thầu vàng sắp tới.
Ông Đào Xuân Tuấn - Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu ý kiến: "Ngay trong chiều ngày hôm nay, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo chủ trương đấu thầu đến 15 tổ chức tín dụng, doanh nghiệp là những đơn vị đã có đủ điều kiện tham gia đấu thầu vàng để tiến hành ngay trong ngày thứ 2 tuần tới".
Sẵn sàng can thiệp, khơi thông nguồn cung, các nhu cầu ngoại tệ chính đáng đều được đáp ứng. Có thể thấy đồng loạt các biện pháp can thiệp rất mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước đối với thị trường ngoại hối và vàng đều đã được đưa ra. Và ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước có công bố sẽ can thiệp để ổn định tỷ giá, giao dịch ngoại tệ đã xuống dưới mức bán ra của Ngân hàng Nhà nước.