Ngân hàng Nhà nước triển khai Thông tư 02/2023
VOV.VN - Từ ngày 24/4, Thông tư của Ngân hàng Nhà nước về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng vay vốn, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn chính thức có hiệu lực. Quy định mới này được cho sẽ góp phần giúp các khách hàng không bị chuyển nhóm nợ, tránh rơi vào nhóm có khoản nợ xấu, từ đó có điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Chiều nay 25/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023. NHNN cho biết, việc cơ cấu thời gian trả nợ cho khách hàng được thực hiện từ thời điểm này và kéo dài đến giữa năm 2024. Điều này sẽ góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp có được điều kiện quay vòng vốn và tiếp cận nguồn vốn mới để duy trì sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Chính sách giãn, hoãn nợ sẽ tác động trực tiếp đến dòng tiền, nguồn vốn của nhiều doanh nghiệp. Thay vì phải trả nợ cả gốc và lãi thì nay nguồn tiền đó có thể được doanh nghiệp sử dụng để tiếp tục kinh doanh, sản xuất. Quan trọng hơn là nợ cũ của doanh nghiệp không bị nhảy nhóm và bị liệt vào nhóm nợ xấu.
“Những đối tượng khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, khó khăn trong việc trả nợ vay các khoản vay tiêu dùng, khoản vay phục vụ đời sống, phát sinh từ các khoản cho vay, cho thuê tài chính thì sẽ được xem xét việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ”, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng vụ tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết.
Ngoài việc cho phép các ngân hàng giãn, hoãn nợ cho các đối tượng vay vốn thì quy định mới của Ngân hàng Nhà nước còn yêu cầu các ngân hàng phải trích lập dự phòng cho khoản nợ đã giãn, hoãn cho khách hàng. Các doanh nghiệp phải có khả năng trả nợ mới được giãn, hoãn nợ, bởi vậy sẽ có doanh nghiệp được giãn, hoãn nợ nhưng sẽ có doanh nghiệp không được. Nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn, chính sách đã ban hành này đừng chỉ là trên giấy./.