Ngân hàng phải cắt giảm lương thưởng để hạ lãi suất cho vay

VOV.VN - Thống đốc NHNN yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động bằng cách giảm lương thưởng, lợi nhuận, từ đó có nguồn lực giảm lãi suất cho vay.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng vừa có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và khó lường trên thế giới có thể đẩy kinh tế suy thoái sâu và tác động nặng nề đến kinh tế trong nước.

Thị trường trong nước cũng đang phải ứng phó với tình hình tái dịch, nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng. Những diễn biến này tiếp tục ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngành ngân hàng.

Các ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động bằng cách giảm lương thưởng, lợi nhuận, từ đó có nguồn lực giảm lãi suất cho vay. (Ảnh minh họa: KT)

Để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, Thống đốc Lê Minh Hưng yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) cập nhật kịp thời thông tin về dịch Covid-19 và thực hiện đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo hoạt động an toàn, thông suốt trong mọi trường hợp.

Các ngân hàng được yêu cầu tiếp tục mở rộng tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên và có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Đồng thời, chủ động cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản; kiểm soát tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp…

Thống đốc cũng yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động bằng cách giảm lương thưởng, lợi nhuận, từ đó có nguồn lực giảm lãi suất cho vay thực chất với cả khoản vay hiện hữu và vay mới để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Với các công ty tài chính, Agribank được yêu cầu triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng tiêu dùng với lãi suất hợp lý hỗ trợ người dân, nhưng vẫn phải chấp hành các quy định và chỉ đạo trong hoạt động cho vay.

Đối với hoạt động cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, Thống đốc yêu cầu tiếp tục triển khai có hiệu quả phương án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đến năm 2020 đã được phê duyệt. Trong đó, tập trung xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm đi kèm và hạn chế nợ xấu phát sinh, lành mạnh hóa tài chính, tăng vốn điều lệ.

Các TCTD cũng phải chấp hành nghiêm quy định về an toàn kho quỹ, giám sát, kiểm tra nội bộ; ngăn chặn sai phạm trong quản lý tiền tệ, kho quỹ... Chủ động có biện pháp phòng chống tiêu cực, trộm cướp tại các chi nhánh, phòng giao dịch./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên