“Ngân sách không có mà cứ giành lấy dự án để làm là không nên“
VOV.VN - Thủ tướng ghi nhận những kiến nghị từ phía các địa phương về các dự án hạ tầng giao thông tuy nhiên ủng hộ việc thực hiện trên tinh thần xã hội hóa.
Kiến nghị cơ chế xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông là vấn đề được nhiều lãnh đạo tỉnh, thành phố nêu ra tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017 diễn ra chiều nay (28/12).
Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, đã nhận được văn bản của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải, phối hợp UBND tỉnh Đồng Nai cùng các bộ ngành có liên quan, tập trung làm báo cáo trình Chính phủ và Quốc hội về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.
Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương. |
Đối với khoản đầu tư 5.000 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị trong năm 2017, Chính phủ cần bố trí trước 1.000 tỷ để tỉnh Đồng Nai có đủ ngân sách bố trí cho việc di dân tái định cư.
Cũng liên quan đến lĩnh vực phát triển hạ tầng, ông Thái cũng kiến nghị Chính phủ chấp thuận về việc kéo dài tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên lên Đồng Nai. Tỉnh này cho rằng, việc kéo dài tuyến đường sắt này sẽ góp phần phát huy hiệu quả cao khai thác, đồng thời giảm tải cho Xa lộ Hà Nội hiện nay.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa – ông Lê Đức Vinh cũng đưa ra kiến nghị với Chính phủ liên quan đến Sân bay Cam Ranh. Ông Vinh cho biết, Sân bay Cam Ranh có công suất thiết kế 1,5 triệu lượt khách vào năm 2015, tuy nhiên thực tế năm 2015 lượng khách đến sân bay đã đạt đến con số 2,3 triệu lượt khách.
“Đến năm 2016 lượng khách qua sân bay Cam Ranh đã tăng lên tới 4,1 triệu khách. Trước tình hình lượng khách tăng cao hơn 80% so với năm 2015, việc đầu tư đường băng số 2 vừa đầu tư nhà ga là rất cần thiết”, ông Vinh chỉ rõ.
Cũng theo ông Vinh, do nhu cầu cấp bách, Trung ương, Chính phủ đã đồng ý giao cho tỉnh Khánh Hòa đầu tư xây dựng đường cất – hạ cánh số 2 sân bay Cam Ranh có tổng mức đầu tư vào khoảng 1.936 tỷ đồng thuộc dự án nguồn chi Trung ương.
Tỉnh Khánh Hòa cũng cố gắng đáp ứng được 50% còn thiếu 50% số vốn nên đã đề nghị Chính phủ quan tâm giúp đỡ.
“Tuy nhiên đến nay đề xuất của tỉnh chưa được Chính phủ xem xét, khiến dự án chậm tiến độ 3 tháng do không có vốn triển khai. Do vậy tỉnh tiếp tục kiến nghị Chính phủ và các bộ ban ngành quan tâm để Khánh Hòa thực hiện dự án”, Chủ tịch UBND Khánh Hoà đề xuất.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng – ông Nguyễn Văn Tùng đã kiến nghị Chính phủ về việc xây dựng cảng quốc tế cửa ngõ Hải Phòng. Ông Tùng cho biết, hiện tại Chính phủ đã cho phép Hải Phòng xây dựng 2 cầu cảng, tuy nhiên do áp lực tăng trưởng hàng hóa nên thành phố đã có đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng ngay cầu cảng số 3, số 4 và các cầu cảng tiếp theo ngay trong năm 2017.
UBND TP Hải Phòng đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng Nhà ga số 2 Sân bay Cát Bi. (Ảnh minh họa: KT) |
Bên cạnh đó, Chủ tịch TP. Hải Phòng cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu xem xét xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng và Hà Nội – Quảng Ninh để giảm thiểu áp lực vận tải bằng đường bộ qua Hải Phòng và một số tỉnh thành khác.
Trước những đề xuất, kiến nghị của các tỉnh, thành phố, Thủ tướng nêu ý kiến, đối với sân bay Cam Ranh tại tỉnh Khánh Hòa, Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương, việc thực hiện xây dựng trên tinh thần xã hội hóa mạnh mẽ, căn cứ từ nguồn lực của UBND tỉnh Đồng Nai cũng như của Bộ GTVT. Riêng nhà ga sân bay này Thủ tướng yêu cầu phải tiến hành xã hội hóa hoàn toàn.
Đối với đề xuất xây dựng cầu cảng, nhà ga số 2 sân bay Cát Bi của TP Hải Phòng, Thủ tướng cho rằng, các dự án này đều phải tuân thủ theo hình thức xã hội hóa. “Cứ để tư nhân họ làm nếu họ muốn, không nên hạn hẹp làm gì. Mình cứ nói là ngân sách không có nhưng cứ giành lấy dự án để làm là không nên”, Thủ tướng nêu rõ./.