Ngành chăn nuôi đảm bảo nguồn cung thịt lợn tăng 15% trước, trong và sau Tết
VOV.VN - Chủ động từ sớm, từ xa, đảm bảo nguồn cung thịt lợn tăng từ 10% - 15% dịp trước, trong và sau Tết là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT tại hội nghị “Thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn bền vững” do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 14/8 tại Hà Nội.
Qua hơn 8 tháng, tổng đàn lợn, đàn gia cầm và gia súc của cả nước tiếp tục tăng về sản lượng, dịch bệnh từng bước được đẩy lùi đảm bảo tăng trưởng của ngành chăn nuôi. Giải quyết những khó khăn mà ngành chăn nuôi đang gặp phải, các đại biểu cho rằng, cần có thêm những cơ chế thúc đẩy chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh cũng như những giải pháp đồng bộ về con giống, thức ăn chăn nuôi, đảm bảo môi trường và không gian cho chăn nuôi về hạ tầng cơ sở chuồng trại, đảm bảo nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Hướng tới xuất khẩu về lâu dài phải tính toán đến việc giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, chăn nuôi lợn phát triển bền vững phải có giải pháp đồng bộ, không chỉ đảm bảo về an ninh dinh dưỡng mà còn là sinh kế của hàng chục triệu người tham gia chăn nuôi lợn. “Khó khăn nhất của chăn nuôi lợn hiện nay chính là kiểm soát an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó là kiểm soát về mặt không gian cho chăn nuôi lợn, như cơ sở chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Chăn nuôi hiện nay mới chỉ sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước nhưng chưa xuất khẩu được nhiều”, ông Dương nói.
Còn ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT chỉ ra những lợi thế về chăn nuôi, trong đó chăn nuôi lợn cũng như sản xuất thức ăn chăn nuôi không chỉ cho gia súc còn cho ngành thủy sản.
“Nếu tận dụng tốt các được nguồn nguyên liệu trong nước để giảm giá thành thức ăn chăn nuôi, sẽ đem lại hiệu quả lớn, nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm chăn nuôi trong thời gian tới. Bên cạnh đó cũng phải nghiên cứu thêm thị trường ngách để gia tăng xuất khẩu, điều này có nghĩa phải đầu tư sâu hơn vào các khâu chế biến đối với các sản phẩm động vật, như xúc xích, thịt hun khói, các sản phẩm thịt lợn xử lý qua nhiệt”, ông Hòa đề cập.
Khẳng định tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, trước mắt phải chủ động từ sớm, từ xa đảm bảo trước, trong và sau Tết không thiếu hụt nguồn cung thịt lợn. Đảm bảo được nguồn cung sẽ ổn định được thị trường, bình ổn về chỉ số giá tiêu dùng CPI. Muốn vậy, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các Bộ, ngành liên quan, các địa phương và người chăn nuôi.
“Dịp trước, trong và sau Tết ngành chăn nuôi phải ổn định giá thực phẩm, đặc biệt thịt lợn đảm bảo tốc độ tăng trưởng phát triển bền vững. Ngành đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm phải chủ động “từ sớm, từ xa” nguồn cung, đảm bảo nguồn cung phải tăng 10% - 15% dịp trước, trong và sau Tết”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị.