Ngành điện: không để qui hoạch vừa làm xong đã hết hạn

(VOV) - Nếu giữ qui hoạch 5 năm thì khoảng hơn 7 năm (2 nhiệm kỳ công tác) đã phải qua 2 lần quy hoạch.

Thực tế này đang có ở Lào Cai (và nhiều địa phương khác-PV), được đại biểu Phạm Văn Cường (đoàn Lào Cai) đưa ra trong thảo luận về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực. Nhiều đại biểu đồng tình với việc kéo dài thời gian qui hoạch phát triển ngành điện.

Quy hoạch phát triển điện lực là 10 năm

Quy hoạch phát triển điện lực là quy hoạch chuyên ngành, chính vì vậy, theo đại biểu Huỳnh Văn Tính (đoàn Tiền Giang), để quy hoạch đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện tại và đảm bảo tính khả thi thì việc thực hiện quy hoạch chỉ bao gồm quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh. Khi đó Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ tổ chức quy hoạch chi tiết phát triển điện lực cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch chung về phát triển kinh tế điện lực quốc gia trình hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nhiều đại biểu Quốc hội thống nhất việc quy hoạch phát triển điện lực là 10 năm và có định hướng cho 20 năm tiếp theo phù hợp với quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của địa phương.

Đại biểu Phạm Văn Cường (đoàn Lào Cai) phân tích: Nếu cứ 5 năm điều chỉnh quy hoach 1 lần thì rất ngắn. Thực tiễn ở địa phương, thời gian qua đã 2 lần làm quy hoạch, mỗi lần làm quy hoạch từ chuẩn bị đầu tư, đề cương chuẩn bị đầu tư, tư vấn, đi vào thực hiện quy hoạch. Trong khi đó, tư vấn chủ yếu ở Hà Nội lên để triển khai và làm thì mất 2,5 năm mới xong. Đến nhiệm kỳ này chúng tôi lại bắt đầu lại làm.

“Khoảng hơn 7 năm, 2 nhiệm kỳ đã phải qua 2 lần quy hoạch. Điều chỉnh quy hoạch 10 năm là hoàn toàn hợp lý, đỡ tốn kém thời gian, kinh phí. Vì mỗi một quy hoạch, phải mất ít nhất trên 1 tỷ đồng. Nước ta có 63 tỉnh thành thì mỗi lần làm lại quy hoạch sẽ là số tiền rất lớn”- đại biểu Cường nhấn mạnh.

Vấn đề đặt ra, theo đại biểu Cường là trong 10 năm đó chúng ta phải có cái gì ở đây? Nếu chúng ta chỉ đặt vấn đề quy hoạch là 10 năm mà không nói rõ cụ thể 5 năm đầu như thế nào thì rất khó, lại thành không khả thi.

Ngoài ra, để đảm bảo tính chặt chẽ, khoa học của các quy hoạch tổng thể điện quốc gia, theo đại biểu Lê Thị Nguyệt (đoàn Vĩnh Phúc), cần phải thông qua Quốc hội cũng tương tự như quy hoạch đất đai, thực hiện dự án luật về điện hạt nhân. Bên cạnh đó, cũng cần có chế tài liên quan đến chất lượng duyệt quy hoạch và chất lượng của quy hoạch. Chất lượng quy hoạch liên quan rất lớn đến đơn vị cung cấp các thông tin để làm công tác quy hoạch, nếu thiếu tính chính xác và thiếu trách nhiệm sẽ dẫn tới điều chỉnh quy hoạch thường xuyên và quy hoạch sai thì cơ quan cung cấp thông tin để thực hiện quy hoạch đó phải chịu trách nhiệm. Quy hoạch kém dẫn đến chậm tiến độ, do giải phóng mặt bằng kém thì chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đó phải chịu trách nhiệm hay trong quy hoạch nhà đầu tư nhận rồi bỏ thì chúng ta phải có hình thức xử phạt. Đại biểu Lê Thị Nguyệt đưa lại ví dụ về EVN trước đây, được duyệt 40 công trình, sau bỏ 12 công trình không thực hiện. “Trường hợp này, EVN phải chịu trách nhiệm” – đại biểu Nguyệt nói.

Về đầu tư phát triển ngành điện, theo đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (đoàn TP HCM), cần có chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế ngoài doanh nghiệp nhà nước đầu tư xây dựng lưới truyền tải điện, nhất là ở các vùng nông thôn khó khăn, tư nhân lâu nay không mạnh dạn làm vì không có lãi. Chính sách này nhằm hạn chế bớt sự độc quyền trong truyền tải điện và giải quyết tình trạng lưới điện đang bị xuống cấp ở nhiều vùng do các doanh nghiệp, đơn vị điện lực nhà nước thiếu vốn đầu tư. Đại biểu này cũng kiến nghị cần có cơ chế hình thành quỹ công ích để phát triển điện lực ở các vùng khó khăn, đồng thời nhà nước hỗ trợ trực tiếp tiền điện cho những người sử dụng điện ở những vùng này, nhất là các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cho rằng, trong quy hoạch phát triển điện lực cần thiết quy định cụ thể về nguồn lực thực hiện nhằm đảm bảo tính khả thi của quy hoạch, xóa bỏ tình trạng quy hoạch treo.

Giải quyết các vấn đề hậu thủy điện

Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) phản ánh: Các công trình thủy điện vừa và nhỏ phát triển tràn lan với số lượng lên đến hàng nghìn, nằm rải rác trên khắp đất nước. Đặc thù của loại thủy điện này là không xây dựng trong một không gian cụ thể mà có thể tổ máy phát điện ở tỉnh này nhưng nguồn tích điện, tích nước lại ở tỉnh khác, cho nên khả năng kiểm soát rất khó. “Trong khi đó, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực lại chưa đề cập tới thủy điện như một chương riêng đã đành, nhưng ngay trong các chương chung cũng hết sức mờ nhạt” – ông Dương Trung Quốc nói.

Liên quan đến việc xây dựng các công trình thủy điện và các hệ lụy xã hội, đại biểu Y Mửi (đoàn Kon Tum) cho biết: Một số công trình thủy điện tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng, để lại những vấn đề kéo dài gây bức xúc trong nhân dân như vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, thuê đất sản xuất và việc làm ổn định cuộc sống của người dân di cư, đặc biệt là sinh thái ở các địa điểm xây dựng các công trình thủy điện. Mặc dù tỉnh và các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp tháo gỡ nhưng đến nay vẫn là một thách thức không nhỏ đối với một tình nghèo như Kon Tum. Từ thực trạng trên, đại biểu Y Mửi đề nghị trong dự thảo luật cần có nội dung quy định rõ trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực, các bộ, ngành liên quan để điều chỉnh những bất cập trên của các công trình thủy điện./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giá bán lẻ điện bình quân phải do Nhà nước quản lý
Giá bán lẻ điện bình quân phải do Nhà nước quản lý

(VOV) -Kể cả việc tăng giá dưới 5% cũng không thể để EVN tự quyết định mà phải có ý kiến của Chính phủ.

Giá bán lẻ điện bình quân phải do Nhà nước quản lý

Giá bán lẻ điện bình quân phải do Nhà nước quản lý

(VOV) -Kể cả việc tăng giá dưới 5% cũng không thể để EVN tự quyết định mà phải có ý kiến của Chính phủ.

EVN vẫn độc quyền kinh doanh điện, giá còn bất cập
EVN vẫn độc quyền kinh doanh điện, giá còn bất cập

(VOV) - PGS, TS Ngô Trí Long cho biết, EVN vẫn đang ở thế độc quyền kinh doanh điện và giá bán điện tại Việt Nam còn rất nhiều bất cập.

EVN vẫn độc quyền kinh doanh điện, giá còn bất cập

EVN vẫn độc quyền kinh doanh điện, giá còn bất cập

(VOV) - PGS, TS Ngô Trí Long cho biết, EVN vẫn đang ở thế độc quyền kinh doanh điện và giá bán điện tại Việt Nam còn rất nhiều bất cập.