Ngành hàng cà phê muốn hội nhập thì cần phải đổi mới, sáng tạo
VOV.VN - Trước những thách thức của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, ngành cà phê nói riêng đang phải đối mặt thì đổi mới, sáng tạo là yêu cầu tất yếu để phát triển.
Nhất là khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới như: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam –EU (EVFTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Để ngành hàng cà phê phát triển bền vững tương xứng với tiềm năng, vị thế, những người làm cà phê tại Tây Nguyên đang nỗ lực đổi mới, sáng tạo tìm hướng đi riêng cho cà phê Việt Nam.
Ông Nguyễn Tri Sáu, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nông nghiệp sản xuất và thương mại Sáu Nhung ở huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum chia sẻ, Hợp tác xã Sáu Nhung đang canh tác 300 ha theo tiêu chuẩn hữu cơ với hệ thống công nghệ tưới nước phun mưa, nhà kính phơi sấy bằng năng lượng mặt trời. Để sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận, hợp tác xã đã quan tâm đổi mới sáng tạo cả trong phương thức thức sản xuất để tạo ra cà phê chất lượng cao cũng như cả về nhận thức của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Tri Sáu cho biết: “Năm tỉnh Tây Nguyên đều tập trung vào cây cà phê do đó đổi mới, sáng tạo chế biến cà phê chất lượng rất cần thiết. Thực tế hiện nay người dân ai cũng phải nhận thức điều này. Vì có thể thay đổi nhận thức chế biến, thưởng thức, giới thiệu cà phê thì mới đưa sản phẩm ra thị trường, mới cạnh tranh được các hãng cà phê lớn của quốc tế”.
Theo ông Lê Đức Huy, Phó tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk), một trong những đơn vị xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam, nước ta là một trong những quốc gia xuất khẩu cà phê, đặc biệt là cà phê Robusta, hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, cà phê của Việt Nam chưa được đánh giá tương xứng với vị thế và tiềm năng của nó. Điều này làm ảnh hưởng đến giá cả của mặt hàng này, cũng như khó cải thiện đời sống của nông dân trồng cà phê vốn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, vận động, đổi mới sáng tạo để gia tăng giá trị là xu hướng nhưng cũng là yêu cầu mang tính sống còn của ngành cà phê Việt Nam.
"Cà phê Việt Nam đa số là sản lượng, chất lượng thì chưa được biết đến nên giá trị chưa cao. Vì vậy để thế giới biết về chất lượng cà phê Việt Nam cũng như người tiêu dùng biết được thương hiệu thì cần nâng cao năng lực của người nông dân, chỉ cho họ biết trên thế giới còn nhiều loại cà phê ngon như thế nào. Ngoài vấn đề phơi sấy truyền thống thì có những biện pháp thu hoạch chế biến nâng cao chất lượng cà phê. Bên cạnh đó là biết đánh giá cà phê như thế nào là ngon từ đó có biện pháp nâng cao chất lượng cà phê lên” - ông Lê Đức Huy bày tỏ.
Ông Nguyễn Thế Long, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam cho rằng, đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị ngành cà phê là một chiến lược dài hơi phải có lộ trình cụ thể và có sự đồng hành, liên kết của cả hệ thống liên quan. Đối với doanh nghiệp cần đa dạng hóa và nâng cấp chất lượng cho các sản phẩm cà phê chế biến để cải thiện cạnh tranh cũng như tạo thêm giá trị gia tăng. Còn đối với người trồng cà phê, phải thực hành sản xuất cà phê bền vững, ứng dụng công nghệ cao vào tổ chức sản xuất để gia tăng diện tích cà phê có chứng nhận. Từ đó mới đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính khi cà phê được xem là ngành hàng chủ lực tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Ông Nguyễn Thế Long nhận định: “Ở thời điểm hiện tại tốt nhất chúng ta nên tham gia vào các tiêu chuẩn về phát triển cà phê bền vững. Ví dụ như chúng ta đang có tiêu chuẩn về 4C, UT, UTZ... khi tham gia vào các tiêu chuẩn này đồng thời chúng ta cũng đáp ứng được các tiêu chuẩn về SPS hoặc các cam kết phát triển bền vững việc tham gia các tiêu chuẩn này sẽ góp phần dần đạt được các tiêu chuẩn của EU”.
Có thể thấy, người sản xuất cà phê ở Tây Nguyên đang nỗ lực đổi mới sáng tạo để vượt qua những khó khăn thách thức, duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng cà phê Việt Nam. Khi chất lượng được công nhận giá trị cà phê sẽ gia tăng, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc tế, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu cũng như các tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu cũng như cải thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu mà ngành cà phê đang đối mặt hiện nay./.